MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Nam là địa phương đầu tiên cả nước thực hiện năm “Phục hồi đa dạng sinh học quốc gia”. Ảnh: Hoàng Bin

Thu hồi các dự án thủy điện gây hại môi trường là bằng chứng "nói đi đôi với làm"

Thanh Hải LDO | 25/03/2024 20:03

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh - cho biết: "Với những dự án thủy điện chậm tiến độ, nhất là các thuỷ điện vừa và nhỏ, gây tổn hại đến môi trường tự nhiên và đời sống người dân, tỉnh sẽ xem xét thu hồi, không bổ sung và loại hẳn ra khỏi quy hoạch...".

Quảng Nam hiện có 29/40 công trình thủy điện có trong quy hoạch đã vận hành phát điện, tổng công suất thiết kế khoảng 1.574 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5,5 tỉ kWh.

Năm 2023, thủy điện đóng góp 1.179 tỉ đồng cho ngân sách. Đây là nguồn ngân sách lớn chỉ sau công nghiệp ôtô, du lịch ở Quảng Nam.

Tuy vậy, hầu hết dự án thuỷ điện ở khu vực miền núi nên tác động lớn đến các loại đất rừng, rừng tự nhiên, môi trường sinh thái. Trong đó có tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, đời sống người dân.

Tuyên bố "loại bỏ, thu hồi các dự án thủy điện gây tổn hại đến môi trường tự nhiên và đời sống người dân" của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là quyết liệt. Là cụ thể hóa nguyên tắc "không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế" - vốn đã được nói đến rất nhiều từ trước đến nay.

Không chỉ "nói rắn", mà Quảng Nam còn làm thật, bằng việc khởi tố hình sự vụ xâm hại hơn 2,2ha rừng tự nhiên để làm đường dây 110kV của thủy điện Tr'Hy, huyện Tây Giang vào đầu tháng 3.2023.

Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên, duy nhất cho đến thời điểm này, đăng cai thực hiện năm “Phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024”. Điều này thực hiện tinh thần rất lớn của địa phương, nhằm cụ thể hóa việc phát triển bền vững, theo hướng phát triển xanh, hưởng ứng "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên" của Liên Hợp Quốc.

Đây cũng hành động triển khai cụ thể cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) của Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu - COP26, COP27.

Phát triển xanh, bền vững không chỉ là khẩu hiệu hay quyết tâm chính trị mà phải bằng hành động cụ thể, quyết liệt như cách của Quảng Nam đang "nói và làm".

Bảo vệ rừng, phục hồi đa dạng sinh học còn giúp Quảng Nam sớm đạt mục tiêu bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, thu về cả trăm triệu USD mỗi năm như dự kiến.

Cùng với việc phát động thực hiện năm “Phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024”, Quảng Nam cũng đồng thời khởi tố các vụ án xâm hại rừng, nói không với động vật hoang dã, sẵn sàng loại bỏ các dự án kinh tế có nguy cơ gây tổn hại đến môi trường, đời sống người dân... Đây là hành động cụ thể của việc "nói đi đôi với làm", "nói là làm".

Những hành động này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu phát triển Quảng Nam, mà còn tạo ra niềm tin cho cộng đồng, người dân.

Để Việt Nam sớm trở thành quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển... như cam kết của Thủ tướng Chính phủ, rất cần các địa phương có rừng sớm hành động như Quảng Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn