MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế trao quyết định trúng tuyển cho 4 bác sĩ theo chính sách thu hút nguồn bác sĩ cho ngành y tế tỉnh giai đoạn 2023-2025. Ảnh: An Sơn

Thu hút bác sĩ giỏi, chỉ trợ cấp tiền thôi chưa đủ

Hoàng Văn Minh LDO | 15/07/2023 18:27

Nhiều địa phương đã và đang ban hành các chính sách trợ cấp tiền để thu hút bác sĩ giỏi về công tác. Tuy nhiên, chỉ trợ cấp tiền không thôi thì vẫn chưa đủ để mang lại hiệu quả như mong muốn.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa trao quyết định trúng tuyển cho 4 bác sĩ đầu tiên theo chính sách thu hút nguồn bác sĩ cho ngành y tế tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, bác sĩ thuộc đối tượng thu hút ở Thừa Thiên Huế được hưởng trợ cấp 1 năm/lần, thời gian hưởng trợ cấp là 5 năm. Cụ thể, người có học hàm giáo sư được hưởng trợ cấp 300 triệu đồng/năm; người có học hàm phó giáo sư 200 triệu đồng/năm; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II 100 triệu đồng/năm; thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I 60 triệu đồng/năm…

Dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chi khoảng 45 tỉ đồng cho chính sách này để thu hút khoảng 120 -150 bác sĩ.

Không chỉ Thừa Thiên Huế mà nhiều địa phương khác trong cả nước, gần nhất là Đà Nẵng, trong năm 2022 cũng đã ban hành các chính sách trợ cấp tiền tương tự để thu hút bác sĩ giỏi từ các địa phương khác, giữ chân bác sĩ ở môi trường công để tránh “chảy máu chất xám” qua môi trường tư…

Trợ cấp tiền để thu hút bác sĩ dù ở hình thức nào thì đều là chính sách hay, thiết thực và khả dĩ trước mắt trong bối cảnh bác sĩ làm việc ở môi trường công lâu nay thu nhập quá thấp so với công sức và chất xám mà họ đã bỏ ra từ đi học cho đến khi làm việc.

Tuy vậy trong thực tế, theo chia sẻ của nhiều bác sĩ từng nhận trợ cấp tiền ở một số địa phương thì tiền, với họ quan trọng, thậm chí rất quan trọng, nhưng chỉ là điều kiện đủ.

Điều kiện cần để họ yên tâm làm việc, cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ là một môi trường làm việc đủ tốt, “trong lành”, an toàn và thông thoáng, ít ràng buộc bởi những chuyện ngoài chuyên môn…

Môi trường làm việc như thế, hiện là của hiếm, nếu không muốn nói là không thể ở môi trường công, nhưng lại là bình thường thôi ở môi trường tư.

Đó là chưa nói đến việc, có hỗ trợ tiền thế nào thì cũng không lại được với mức thu nhập “sạch”, gấp 5-10 lần, thậm chí 20 lần môi trường công mà các bệnh viện tư đã và đang sẵn sàng trả cho các bác sĩ có chuyên môn giỏi.

Cũng không phải từ năm 2022 - như Đà Nẵng, mà từ 10 năm trước, thành phố này đã một lần ban hành chính sách trợ cấp tiền và đã thu hút một lượng rất lớn các bác sĩ, giảng viên từ Bệnh viện Trung ương và Đại học Y Dược Huế vào làm việc ở các bệnh viện công.

Tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết bác sĩ, giảng viên đó lại đang miệt mài cống hiến ở các bệnh viện tư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, vì lý do thu nhập và quan trọng hơn cả là môi trường làm việc công, theo họ là “quá chán”!

Chuyện của các bác sĩ, cũng là chuyện chung của việc trải thảm đỏ thu hút nhân tài ở các lĩnh vực khác. Đáng nói là mỗi một lần ban hành chính sách trợ cấp tiền để thu hút nhân tài, các địa phương phải mở hầu bao chi từ vài chục cho đến vài trăm tỉ đồng nhưng hiệu quả, rồi hậu quả lại khó có thể đong đếm lại được bằng những con số cụ thể.

Cải thiện thu nhập nhưng không cải thiện được môi trường làm việc thì chính sách có tốt mấy, nhân tài cũng đến rồi lại ra đi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn