MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu hút FDI nhìn từ công thức “5 sẵn sàng”

Hoàng Lâm LDO | 26/01/2024 09:14

Năm 2023, Nghệ An thu hút vốn đầu tư FDI đạt gần 1,6 tỉ USD, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và lọt top 10 cả nước, lập nên kỳ tích trong điều hành, phát triển kinh tế.

Lý giải thành công này, tỉnh Nghệ An cho rằng, xuất phát từ công thức “5 sẵn sàng” dành cho các nhà đầu tư. Đó là sẵn sàng về mặt bằng; sẵn sàng về cơ sở hạ tầng; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ.

Với chính sách này Nghệ An đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny... bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô…

Trên góc độ toàn quốc, Tổng cục Thống kê chỉ ra: Trong thời gian tới Việt Nam (cùng Ấn Độ và Mexico) sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại và các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gia tăng đầu tư vào thị trường các nước này trong thời gian tới.

Năm 2023, Việt Nam thu hút 36,6 tỉ USD vốn FDI, trong đó vốn từ Trung Quốc chiếm 12,3%, tăng 3,3% so với năm trước; Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 12,8%, tăng 4,9%; vốn từ Nhật Bản chiếm 18%, tăng 0,7% so với năm 2022.

Thời gian tới, bên cạnh luồng vốn rất mạnh này, Việt Nam đang sẵn sàng chờ đón làn sóng đầu tư mới từ Mỹ khi nước này mới đây công bố kế hoạch dịch chuyển hơn 30 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài. Hiện vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam mới đạt khoảng hơn 600 triệu USD - chưa tương xứng với tiềm năng.

Cơ hội thu hút FDI của Việt Nam năm 2024 được đánh giá ngang với năm 2008 khi Việt Nam vừa gia nhập WTO. Năm nay, các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ bán dẫn đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao.

Để tiếp tục thu hút nguồn vốn này, công thức “5 sẵn sàng” phải được triển khai rộng khắp. Bên cạnh đó việc thay đổi môi trường đầu tư để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu là nhiệm vụ cấp bách. Các chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải làm tốt hơn và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Mở rộng cửa đón vốn FDI nhưng các phân tích cho thấy các địa phương cũng cần tỉnh táo lựa chọn các dự án FDI, không để một số nước chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký, biến Việt Nam thành "vùng đệm", thực hiện lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất. Như vậy mới có môi trường đầu tư đủ hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn