MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ bỏ việc là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở y tế công lập tại Quảng Nam đối diện với tình trạng thiếu bác sĩ. Ảnh: Hoàng Bin

Thu nhập thấp, y bác sĩ bỏ việc, đừng để "tổ mối" phá vỡ cả con đê

Thanh Hải LDO | 18/08/2023 15:11

Những khó khăn vất vả và cả hiểm nguy đã dồn dập lên ngành y tế khi đại dịch COVID-19 lây lan toàn thế giới. Thế nhưng, dịch đi qua, y bác sĩ ở các địa phương vẫn tiếp tục bỏ việc, rời bệnh viện công với số lượng lớn... Thu nhập thấp bây giờ chưa hẳn là lý do chính khiến họ bỏ bệnh viện công.

Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam hiện chỉ có 7 bác sĩ, trong đó có 4 bác sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ điều trị. Trong khi cơ sở này, quy mô giường bệnh điều trị nội trú hơn 100 giường. Theo quy định, một bác sĩ phụ trách 10 bệnh nhân, nhưng tại đây, mỗi bác sĩ có thời điểm phải phụ trách đến 40 bệnh nhân.

Một lớp học bình thường có 40 - 45 học sinh, đa số đều ngoan, giáo viên đã phải làm việc rất căng thẳng. Chữa bệnh hoàn toàn khác với dạy học. Phải thăm khám, điều trị, cho uống thuốc, tiêm thuốc, thậm chí làm các xét nghiệm, chẩn đoán... đến từng bệnh nhân, hằng ngày. Một bác sĩ phụ trách đến 40 bệnh nhân thì làm sao có thể kham nổi? Đặc biệt, đây lại là các bệnh nhân tâm thần.

Không một ai muốn bỏ công việc chuyên môn của mình, nhưng trường hợp ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam thì không chỉ là lựa chọn cá nhân của các y, bác sĩ. Bởi, nếu không bỏ việc thì trước sau gì cũng mất việc vì khó ai có thể đáp ứng được nhiệm vụ "bất khả thi" như thế này.

Có thể nguyên nhân ban đầu của thực trạng này là do lương thấp. Thu nhập không đủ chi tiêu, trang trải cuộc sống, nhiều y bác sỹ đã phải bỏ bệnh viện công ra làm tư, hoặc bỏ nghề, tìm việc khác để mưu sinh, lo cho gia đình. Chính quyền, ngành y tế không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn "làn sóng" bỏ việc của y, bác sỹ, dẫn đến thiếu nhân lực. Quá tải ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam là lý do thứ phát, là ví dụ điển hình.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và các cơ sở y tế công trong tỉnh này cũng thiếu y bác sĩ nghiêm trọng. Theo định mức, số lượng bác sĩ theo công suất giường bệnh, thì ngành y tế Quảng Nam cần 1.681 bác sĩ, nhưng hiện chỉ có 1.125 bác sĩ, còn thiếu 556 bác sĩ.

Từ năm 2021 đến nay, cả nước có hàng chục ngàn viên chức y tế, các y, bác sĩ xin thôi việc hoặc bỏ việc. Nhiều người trong số họ là cán bộ thuộc diện được cử đi đào tạo từ tiền ngân sách, được tuyển dụng ưu đãi từ các chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" của các địa phương... Khi bỏ việc, nhiều người đã chấp nhận phải đền bù hàng trăm triệu đồng.

Thực trạng này phải gọi đúng tên là khủng hoảng về nhân sự ngành y. Thế nhưng, cũng giống như việc thiếu vật tư y tế, thuốc chữa bệnh ở những bệnh viện công, các địa phương gần như thụ động, chờ hướng dẫn, giải quyết từ Trung ương. Để rồi, từ lý do bỏ việc ban đầu của y bác sĩ là lương thấp, dẫn đến hàng loạt khó khăn thứ phát do thiếu hụt nguồn nhân lực như bây giờ.

Nếu các y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam tiếp tục bỏ việc, thì lý do hiện nay chắc chắn không chỉ vì thu nhập thấp.

Không tháo gỡ những nút thắt, những khó khăn ban đầu, để dồn lâu, kéo dài sự khủng hoảng về nhân sự ngành y, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Hiện tượng y bác sĩ tiếp tục bỏ việc ở khắp các địa phương giống như "tổ mối trong thân đê".

Sẽ có ngày đê vỡ, nếu không diệt các "tổ mối" là hiện tượng bỏ việc, bỏ bệnh viện công đang tiếp tục diễn ra ở các địa phương như ở Quảng Nam hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn