MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5, TPHCM) bên hông Bệnh viện Chợ Rẫy bị trưng dụng giữ xe máy. Ảnh: Minh Quân

Thu phí là công cụ hữu hiệu để kiểm soát vỉa hè và xoá “luật ngầm”

Hoàng Văn Minh LDO | 20/09/2023 18:00

Hội đồng nhân dân TPHCM chính thức thông qua đề án thu phí vỉa hè, lòng đường từ ngày 1.1.2024.

Ngày 19.9, tại kì họp thứ 11 (kì họp chuyên đề), HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM. Thời gian thu phí bắt đầu từ 0h ngày 1.1.2024.

Theo đó, vỉa hè, lòng đường được chia làm 5 khu vực (5 quận) - tương ứng với giá đất bình quân tại khu vực đó để tính giá cho thuê.

Thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy, thành phố có hơn 600 tuyến đường rộng trên 9m nếu cho thuê để trông giữ xe sẽ thu được 550 tỉ đồng mỗi năm.

Đồng thời, 1.143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên cho thuê để kinh doanh sẽ thu được hơn 971 tỉ đồng mỗi năm.

Như vậy là mỗi năm TPHCM dự kiến thu hơn 1.500 tỉ đồng từ cho thuê vỉa hè, lòng đường ở tất cả các tuyến.

Việc thu phí lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội mới đây cũng được đặt ra. Tuy nhiên theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thì thời điểm này chưa thích hợp vì chờ đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như để khoan sức dân.

Thật ra thì việc thu phí vỉa hè, lòng đường là chuyện khá mới ở Việt Nam. Nhưng với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan đã thu từ cách đây 15-20 năm.

Và đến thời điểm này, việc thu phí ở các nước này đã đi vào quỹ đạo và là công cụ quản lý vỉa hè, lòng đường rất tốt.

Thực tế nữa là ở TPHCM, mặc dù đến thời điểm này, thành phố mới tính đến chuyện thu phí người sử dụng vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên lâu nay, người sử dụng vỉa hè, lòng đường vẫn phải đóng phí theo “luật ngầm”.

“Luật ngầm” cũng có rất nhiều “luật”. Mà dễ thấy nhất là những cá nhân hoặc nhóm người đứng ra tự khoanh vùng thu phí trên lòng đường để giữ xe và vô tư “ăn chặn” của người dân từng bị báo chí phanh phui trong thời gian qua.

Dĩ nhiên số tiền thu được bằng “luật ngầm” sẽ không về ngân sách thành phố mà đã chảy vào túi của một người hoặc nhóm người nào đó. Đây là điều rất phi lý. Nhà nước không được gì mà lại còn mang tiếng.

Nếu việc thu phí được triển khai, các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội... sẽ có thêm nguồn bổ sung ngân sách rất lớn.

Tuy nhiên, mục tiêu khác còn quan trọng hơn cả ngân sách là tạo ra công cụ hữu hiệu để kiểm soát vỉa hè, lòng đường cũng như những “luật ngầm” tồn tại phi lý lâu nay làm thành phố “mang tiếng”.

Và khi có trả phí thì hình ảnh thành phố chắc chắn sẽ không còn nhốn nháo khi người dân vừa buôn bán vừa lo canh chừng lực lượng chức năng đến dẹp đuổi gây náo loạn và hỗn loạn như lâu nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn