MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thu phí tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn được cho sẽ giúp có thêm nguồn lực tái đầu tư, bảo vệ di sản và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc. Ảnh: Minh Đức.

Thu phí tham quan công viên cao nguyên đá Đồng Văn- đúng rồi, nhưng thu thế nào ?

Hoàng Văn Minh LDO | 25/06/2023 18:15

Dư luận đang tranh cãi chuyện Hà Giang dự định thu phí với khách tham quan Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển.

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được thành lập vào tháng 9.2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356km2 - được UNESCO công nhận là di sản địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2010.

Thu phí tham quan một di sản thế giới như Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là điều bình thường và nên làm, cần được ủng hộ. Không thu phí, miễn phí mới là điều vô lý.

Trên thế giới, các di sản tương tự không những họ thu phí mà còn thu phí rất cao như như Vườn quốc gia Bwindi Impenetrable (Uganda) - 700 USD; Vườn quốc gia Komodo (Indonesia) - 252 USD; Serengeti (Tanzania) - 70,8 USD…

Thực tế thì nhiều năm nay, trong khoảng 40 điểm trong phạm vi Công viên địa chất có thể thu phí thì Hà Giang cũng đã thu phí ba điểm, gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn). Từ năm 2017 đến năm 2021, tổng số phí thu được từ 3 điểm này khoảng 29 tỉ đồng.

Việc thu phí vào Công viên địa chất còn là "điều cần làm" để đáp ứng tiêu chí của một địa danh được UNESCO công nhận như lời ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý Công viên địa chất.

Cụ thể cứ mỗi bốn năm, UNESCO tái đánh giá tình hình phát triển của Công viên địa chất. Mỗi lần, tổ chức này sẽ đưa ra hàng loạt khuyến nghị để thực hiện trong bốn năm tiếp theo.

Để được tính là hoàn thành, 90% khuyến nghị phải được thực hiện nếu không sẽ nhận thẻ vàng (cho tiếp hai năm để thực hiện) hoặc thẻ đỏ (tước danh hiệu). Và các khuyến nghị này “tiêu tốn số tiền khổng lồ”.

Bài toán để Hà Giang đưa ra để bù đắp cho việc “tiêu tốn số tiền khổng lồ” là thu phí thông qua lượt lưu trú với người lớn là 30.000 đồng mỗi đêm, trẻ em là 15.000 đồng mỗi đêm.

Dự kiến, kiểu “đếm cua trong lỗ” là trong năm 2024, lượng khách đến Hà Giang tham quan Công viên địa chất có thể thu vé vào khoảng 1,78 triệu lượt, doanh thu hơn 70 tỉ đồng.

Không giống với nhiều địa phương có di sản khác, ở Hà Giang, thế mạnh để phát triển du lịch chỉ duy nhất là thiên nhiên với di sản Công viên địa chất, còn lại rất yếu và thiếu về các dịch vụ cũng như hàng hoá.

Bởi vậy thu phí tham quan không những là "điều cần làm" mà còn là bắt buộc để tái đầu tư và phát triển, để đáp ứng các tiêu chí của UNESCO cũng như nâng cao đời sống cho người dân bản địa – linh hồn của cao nguyên đá.

Nên vấn đề cần bàn lúc này là Hà Giang sẽ thu phí như thế nào để thuận tiện, hiệu quả, vừa không thất thu nhưng không phải tận thu, vừa được sự đồng thuận từ người dân và du khách...

Và quan trọng nhất là cam kết về một chất lượng du lịch có phí cho cao nguyên đá để tự trả lời cho câu hỏi của ông Hoàng Xuân Đôn: "Nếu không thu phí, mọi người có chấp nhận chất lượng du lịch chỉ ở tầm miễn phí không?".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn