MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân Đặng Thị Hiệu trong căn hộ thuê tại Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: Bảo Hân

Thủ tướng đặt ra yêu cầu “an cư lạc nghiệp” cho người lao động

Lê Thanh Phong LDO | 02/02/2023 09:10

“Cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động”, đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra ngày 1.2.

Thủ tướng rất quan tâm đến nhà ở cho người lao động, Thủ tướng nói “có an cư mới lạc nghiệp”. Đây cũng là mơ ước của hàng vạn người lao động nghèo và niềm mơ ước này chỉ đến được khi Chính phủ, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp bắt tay giải quyết rốt ráo.

Tháng 8.2022, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Trên thực tế, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cảnh báo đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ khó về đích năm 2030 vì gánh nặng thủ tục chiếm 70%. Doanh nghiệp nản lòng không muốn đầu tư, bởi vì họ cảm nhận rằng, chính quyền kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để lo cho người nghèo, nhưng khi bước vào thì gặp toàn rào cản.

“Nói có sách, mách có chứng”, đó là TPHCM, nơi tập trung đông công nhân lao động, nhưng chưa triển khai xây dựng được nhiều dự án nhà ở xã hội. Giai đoạn 2016-2020, nhà ở xã hội chỉ có 15.000 căn, đạt 69% chỉ tiêu, giai đoạn 2021-2025 đưa mục tiêu 35.000 căn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy “tăm hơi”. Liệu có lập lại có tỉ lệ rất thấp của giai đoạn trước?.

Phá bỏ bức tường thủ tục là việc cần làm nhất, nếu còn vướng thì đề xuất để ban hành quy định mới, như chỉ đạo của Thủ tướng: “Ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất”.

Và quan trọng nhất là người thực hiện, đừng sợ trách nhiệm mà bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm. Nếu còn những cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật hơn là đứng trước tòa” thì sẽ khó có dự án nhà nào được triển khai.

Cán bộ có nhà ở, thậm chí là nhà cao cửa rộng, còn người lao động có nhà ở hay không, không quan trọng, mà quan trọng là bảo vệ cái ghế của mình. Nếu còn những cán bộ như thế thì chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội mãi chỉ là trên giấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn