MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quán cơm gà Trâm Anh, nơi liên quan vụ ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang. Ảnh: Phương Linh

Thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn “phá hoại” ngành du lịch

Hoàng Văn Minh LDO | 16/03/2024 17:40

Sau Hội An với bánh mỳ Phượng, giờ đến lượt thành phố du lịch Nha Trang có du khách bị ngộ độc thức ăn liên quan đến quán cơm gà Trâm Anh.

Theo Báo Lao Động thì đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã ghi nhận 345 ca gồm người dân bản xứ và du khách nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà quán Trâm Anh ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Và hiện vẫn còn 201 ca đang điều trị tại bệnh viện.

Quán cơm gà Trâm Anh là một trong những điểm ẩm thực nổi tiếng, lâu đời ở Nha Trang. Đây là quán ăn được người dân địa phương và du khách tìm đến ăn rất đông. Mỗi ngày, quán phục vụ hàng trăm suất cơm gà.

Việc có đến 345 người dân bản xứ và du khách cùng bị ngộ độc sau khi ăn ở quán, lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đỏ về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các thành phố du lịch.

Trong năm 2023, du lịch Việt Nam đã có một ”bài học xương máu” - chữ dùng của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An khi quán bánh mỳ Phượng ở địa phương này xảy ra ngộ động thực phẩm hàng loạt với du khách người nước ngoài.

Vụ ngộc độc này không chỉ “giết chết” một thương hiệu là “bánh mỳ Phượng”, trực tiếp ảnh hưởng đến du lịch không chỉ ở Hội An mà còn với cả miền Trung, với cả nước.

Đáng báo động hơn, là nguy cơ từ thực phẩm bẩn hiện cứ lơ lửng, có thể đến từ bất kỳ quán ăn nào khi gần đây, cơ quan chức năng các địa phương ở miền Trung liên tục bắt, xử lý những cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn.

Mới nhất ở Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng “phá” liên tục 3 cơ sở kinh doanh thịt heo, bò bẩn. Trong đó có cơ sở số lượng thịt bẩn các loại nằm trong kho lạnh cân đến đơn vị tấn!

Nên phải luôn nhắc, cảnh tỉnh nhau rằng, những vụ ngộ độc tương tự như bánh mỳ Phượng hay cơm gà Trâm Anh có thể sẽ xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ địa phương nào nếu tình trạng thực phẩm bẩn mua bán tràn lan như hiện nay không được kiểm soát. Rằng thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn "phá hoại" cả ngành du lịch.

Để hạn chế tối đa điều này, không còn cách nào khác ngoài việc cơ quan chức năng siết chặt quản lí, kiểm tra, giám sát các hàng quán, hộ kinh doanh thức ăn đường phố.

Đặc biệt, các hành vi vi phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y, về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc... đều cần phải xử lý nghiêm khắc nhất có thể, thậm chí xử lý hình sự để răn đe nếu đủ cơ sở, căn cứ về dấu hiệu phạm tội.

“Thành phố du lịch sạch ASEAN” là một trong những danh hiệu – giải thưởng cao quý mà 3 thành phố du lịch gồm Huế, Quy Nhơn và Vũng Tàu vừa được công nhận trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF hồi đầu năm. Và đây cũng là giải thưởng mà tất cả các thành phố du lịch trong cả nước đều đang hướng đến.

Tuy nhiên, “Thành phố du lịch sạch ASEAN” theo nghĩa ít rác thải, không khí trong lành… mới chỉ là điều kiện cần. Là mới chỉ sạch bên ngoài. Điều kiện đủ là phải sạch cả bên trong.

Sạch bên trong thì rất nhiều thứ cần sạch. Nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để du khách, dĩ nhiên với cả người dân bản xứ phải luôn được ăn, uống hợp vệ sinh, sạch nhất có thể!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn