MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa tại cảng trên địa bàn TPHCM. Ảnh: SGGP

Thuế, nhân lời nói thẳng của ông Mark Gillin

Anh Đào LDO | 05/07/2018 15:00

"Tỉ lệ tổng số tiền thuế trên lợi nhuận ở Việt Nam là 38% và khi bảo hiểm xã hội tăng, con số này cũng tăng theo". 38% có nghĩa là cứ 10 đồng thì doanh nghiệp mất gần 4 đồng đóng thuế.

Đây là trích báo cáo của Nhóm công tác Thuế và Hải quan tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN giữa kỳ 2018.

Và không chỉ 38% khi “chi phí thuế thực còn cao hơn cả con số công bố”.

Ngoài 38% này, còn xuất hiện tình trạng “các cơ quan thuế địa phương thường ấn định chỉ tiêu nộp ngân sách cho từng DN trong quá trình thanh kiểm tra... cố tình tìm kiếm dấu hiệu vi phạm, mà thực chất là sách nhiễu cho đến khi nộp đủ “chỉ tiêu”- Báo cáo của Trưởng nhóm công tác thuế và hải quan Mark Gillin.

Chưa hết, còn có cả chi phí về thời gian với 498 giờ cho việc nộp thuế. Cao gần gấp 3 lần Campuchia, 2,5 lần mức bình quân của Châu Á, gấp 7,75 lần Singapore.

Đúng là công tác thuế đang có những vấn đề không ít nghiêm trọng mà nghiêm trọng nhất là sự phụ thuộc vào quy trình quyết toán thuế như một công cụ thu ngân sách đang được xem như một cách làm “vô cùng thiếu hiệu quả”, như một “căn nguyên chính gây tham nhũng” và là “nguyên nhân gây ra sự mất tín nhiệm ngày càng tăng của cơ quan thuế” - đánh giá của Mark Gillin.

Cảm ơn lời nói thật của một “ông tây”!

Nhân chuyện 38% lợi nhuận dành để đóng thuế và 498 giờ nộp thuế hôm nay, có lẽ cần phải nhắc lại hai chi tiết. Tháng 10 năm ngoái, ĐBQH Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch TKV, từng đề nghị xem lại chính sách thuế phí theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu thay cho việc “tận thu”, “hành thu” khi tỉ lệ thuy động thuế phí “làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng”.

Còn năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã yêu cầu giảm bằng được thời gian thực hiện thủ tục thuế xuống còn 171 giờ.

Đó là thời điểm mà thời gian nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam lên tới 872 giờ/năm (Báo cáo năm 2014 của WB), một xếp hạng được coi ở mức “quá tệ”. Đó là thời điểm tồn tại những câu chuyện “rất đơn giản nhưng vẫn cố tình hành hạ người khác”: Khi một đại diện doanh nghiệp nhà nước kể lại chuyện “phải đi lại 8 lần, mỗi lần gặp cán bộ thuế 15 phút mới mua được hóa đơn đóng thuế” thì chuyên gia quốc tế của USAID là Olin McGill “đùa như thật”: “Kinh nghiệm của tôi là do đồng lương không đủ sống nên họ cố tình tạo ra nhiều lần tiếp xúc để có lót tay..., lẽ ra cần có lót tay ngay trong lần đầu tiên thì sẽ tránh được 7 lần đi lại”.

Từ 872 giờ “quá tệ” tới 498 giờ là một nỗ lực xuyên suốt không biết mệt mỏi từ chính phủ.

Nhưng nếu chỉ “từ Chính phủ” thôi thì chưa đủ. Nhưng nếu những “ấn định”, những tỷ lệ 38%, những 498 giờ còn tồn tại thì rất khó để nói về một cộng đồng DN tồn tại chứ đừng nói đến lớn mạnh, cạnh tranh, ra biển lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn