MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ VN Pharma. Ảnh: Đăng Huỳnh

Thuốc giả, dân đâu cần những báo cáo đẹp

ANH ĐÀO LDO | 21/10/2017 07:00

Có một số liệu “cực đẹp” được công bố liên quan đến thị trường dược phẩm, rằng năm 2016, chỉ có 0,03% thuốc giả. Nhưng nó có thật không lại là câu chuyện hoàn toàn khác khi “ngay cả thuốc giả mười mươi nhưng vẫn cho là thuốc kém chất lượng”.

Cái “ngay cả” này được nói ra bởi PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, Đại biểu Quốc hội. Và bà nói việc thuốc giả vẫn được cho là kém chất lượng này là “để bớt trách nhiệm”.

Hôm qua, ngay cả khi phiên toà VN Pharma sắp kết thúc, dư luận vẫn đang phân rã với 2 luồng ý kiến trái ngược. Một đằng nói nó chỉ là thuốc kém chất lượng. Số đông, lại nhìn nhận đó là thuốc giả, đó là táng tận lương tâm, đó là tội ác. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là loại thuốc “không dùng chữa bệnh cho người” - như kết luận của Bộ Y tế.

Chúng ta đã có những bằng chứng. Chúng ta có nhân chứng, vật chứng. Chúng ta có cả những phiên toà. Và sự thật là chúng ta chưa đưa ra được một kết luận để nhân dân, những nạn nhân trực tiếp của dối trá, của giả mạo có thể tâm phục khẩu phục.

Chính bà Phong Lan, một dược sĩ, một người từng làm quản lý cũng nhìn thấy rằng cái tỉ lệ 0,03% kia hoàn toàn “không thể phản ánh được toàn bộ thị trường dược phẩm”.

Có thể, vì tỉ lệ lấy mẫu kiểm nghiệm không bao quát được hết. Có thể do năng lực của hệ thống kiểm nghiệm chưa đủ mạnh. Những lý do đang được nhìn nhận như là “khách quan” ấy đã là không thể châm trước với một loại hàng hoá liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Huống hồ còn có những nguyên nhân chủ quan, nhẹ thì là “hài lòng” với những báo cáo đẹp, hay những nhận định hay ho “tỉ lệ thuốc giả phát hiện được càng lúc càng giảm”, còn sự thật thì là chuyện che giấu sự thật để trốn tránh trách nhiệm quản lý, bất chấp hậu họa.

Không, người dân không cần những tỉ lệ đẹp, những báo cáo long lanh, hân hoan tràn ngập thành tích.

Trở lại với phiên toà VN Pharma, có một sự đơn giản trong việc truy xuất nguồn gốc đến kinh ngạc. Mọi sản phẩm thuốc được sản xuất từ các quốc gia phát triển đều có mã vạch. Dựa vào mã vạch đó có thể xác minh, truy xuất được nguồn gốc của công ty và trả lời được câu hỏi thuốc thật hay giả. Nếu chẳng hạn hồ sơ thuốc H-Capital được công khai, thì bất cứ một người Canada nào đó cũng biết sự thật “thuốc này đâu có ở Canada” - lời bà Phong Lan.

Cho nên, thuốc giả chỉ có thể chống được, không phải bằng việc sống chết cãi đó không phải là giả và những bản báo cáo đẹp để che đậy thực tế, mà phải bắt đầu từ sự minh bạch. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn