MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thưởng Tết - trách nhiệm và sự chia sẻ của các bên

Hoàng Lâm LDO | 25/12/2023 09:14

Năm ngoái, ngay trước thềm Tết Nguyên đán, hàng nghìn công nhân Công ty Pouchen ở Đồng Nai đồng loạt ngừng việc tập thể với lý do thưởng Tết ít hơn năm trước. Đó là thời điểm công ty thông báo người lao động làm việc đủ một năm trở lên, tùy theo thâm niên sẽ nhận mức thưởng Tết dao động từ 1 tháng đến 1,54 tháng lương. Với mức này, công nhân trực tiếp sản xuất nhận thưởng Tết trong khoảng gần 5 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng. Đây là mức thấp hơn khoản tiền thưởng Tết năm 2022. Nhóm đòi thưởng Tết nhiều hơn tăng lên tới con số hàng nghìn và tràn ra quốc lộ gây ùn tắc giao thông nhiều giờ và có nguy cơ mất an ninh trật tự. Phải 3 ngày sau, với sự thỏa thuận, bàn bạc và được động viên bởi Pouchen cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có tổ chức Công đoàn, các công nhân Pouchen đã quay lại làm việc.

Thưởng Tết hoàn toàn không phải khoản tiền thưởng được quy định trong hệ thống pháp luật về lao động tại Việt Nam. Theo quy định tại Bộ luật Lao động, việc thưởng cho người lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động. Căn cứ chung để xác định tiền thưởng cho người lao động là kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của người sử dụng lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Những vấn đề cụ thể như nguyên tắc, các trường hợp, tiêu chuẩn, thời gian, mức, cách thức, nguồn kinh phí thực hiện thưởng sẽ được quy định trong quy chế của doanh nghiệp. Cũng có những trường hợp, tiền thưởng của người lao động sẽ được thỏa thuận ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động của hai bên.

Điều này cho thấy, người lao động có thể đòi hỏi thưởng Tết nếu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ở mức có lãi. Song thực tế cho thấy, khoản tiền này đôi khi lại là cái cớ để người lao động tự phát ngừng việc hoặc bỏ việc gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc đòi hỏi thưởng Tết (ngoài khả năng chi trả của doanh nghiệp) để ngừng việc là trái luật.

Thông thường, doanh nghiệp đều cố gắng xoay xở để có thưởng Tết, đôi khi là sản phẩm, hoặc chỉ vài chục ngàn với mục đích giữ chân người lao động, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Ai cũng muốn có Tết đủ đầy, song trong câu chuyện thưởng Tết phải là nỗ lực từ nhiều phía. Nỗ lực có đơn hàng, tăng doanh thu của chủ doanh nghiệp, nỗ lực tăng năng suất, có nhiều sáng kiến cải tiến từ phía người lao động.

Khoản thưởng Tết là để đánh giá hiệu quả công việc trong năm, tạo động lực cho năm mới chứ không phải là một ràng buộc để tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động. Điều đó cần sự cố gắng và nỗ lực, cùng chia sẻ của các bên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn