MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thuyền nào cũng “nhặt” rác thì biển sạch biết mấy!

LÊ THANH PHONG LDO | 25/10/2019 10:14
Đó là ý kiến của anh Trần Văn Cường, ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh là một trong những ngư dân có sáng kiến khi đi biển là mang theo dụng cụ tự chế để vớt rác trên biển.

Anh Cường nói: “Tôi cảm thấy rất khó chịu vì rác nhựa, chai, hộp từ các thuyền vứt thẳng xuống trôi nổi đầy mặt biển, nếu mình không vớt sẽ rất nguy hại cho môi trường”.

Anh Cường và một số ngư dân khác nói là hành động, tự tổ chức thu gom rác. Mỗi chuyến đi biển về, ban đầu anh bán những loại chai nhựa, vỏ lon các loại lấy tiền càphê cà pháo. Nhưng sau địa phương có chương trình thu gom rác thải nhựa, bán lấy tiền ủng hộ cho học sinh nghèo, thế là anh gửi vào quỹ. 

Một số địa phương có sáng kiến thu gom rác không chỉ trên bờ mà ngoài biển, như Đà Nẵng có chương trình học lặn kết hợp nhặt rác, Huế có chương trình “Ngôi nhà xanh trên biển”. Các hoạt động này không chỉ thu gom được một phần rác thải, mà quan trọng là tác động vào nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là ngư dân trong việc bảo vệ môi trường biển.

Theo các nhà nghiên cứu, đến năm 2025, trên đại dương, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Đến năm 2030, đại dương chứa rác nhựa nhiều hơn cá. Và nếu vậy thì ngày ấy không còn xa nữa.

Đã từng có những trận rác từ ngoài biển tấn công vào bờ, mới đây là hàng núi rác “đổ bộ” vào bờ biển Vũng Tàu. Địa phương huy động các lực lượng để dọn rác trong nhiều ngày. Ai cũng biết, rác đó là do chính chúng ta thải ra, nhưng chẳng mấy ai tỉnh ngộ.

Trở lại chuyện ngư dân tự tổ chức gom rác trên biển. Đây là việc làm tốt rất cần phổ biến, nhân rộng. Làm sạch biển mang lại rất nhiều giá trị cho con người. Bờ biển sạch mới phát triển du lịch, còn biển sạch thì hải sản mới sạch, các loài tôm cá mới sống được, nguồn lợi thuỷ sản được bảo vệ. Hải sản bị rác nhựa tấn công và tiêu diệt, thì ngư dân là đối tượng chịu khổ, chịu nạn trước.

Từ câu chuyện của ngư dân Trần Văn Cường, các địa phương cần phát động những chương trình dọn rác biển trong lực lượng ngư dân. Trước hết là tuyên truyền cho ngư dân hiểu, chính họ là những người không thải rác sinh hoạt ra biển, đồng thời thu gom rác trên biển.

Nghiệp đoàn nghề cá của các địa phương cũng cần vào cuộc, kêu gọi đoàn viên tham gia hưởng ứng phong trào này. Dọn được một chai nhựa, túi nylon trên biển, là có thêm được một con cá, con tôm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn