MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiêm vaccine để bảo vệ phóng viên làm nhiệm vụ phòng dịch COVID-19

Lê Thanh Phong LDO | 15/04/2021 12:23

Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan báo chí lập danh sách phóng viên, nhà báo thường xuyên tác nghiệp trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao để tiêm phòng vaccine.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước có kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho đội ngũ phóng viên, nhưng đây mới chỉ là kế hoạch, còn chờ đợi đến khi triển khai. Hy vọng chính quyền thành phố sẽ nhanh chóng triển khai để phóng viên an tâm tác nghiệp, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19.

Khoảng cuối tháng 2.2021, hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Dương ra thông báo về việc đăng ký xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho phóng viên và người hỗ trợ thông tin, tuyên truyền phòng chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đây cũng là cách hỗ trợ cho phóng viên tác nghiệp trong môi trường nguy hiểm, nhưng chưa đủ. Trong bài viết: “Phóng viên trên tuyến đầu phòng chống dịch cần được bảo vệ an toàn” đăng ngày 24.2.2021, Báo Lao Động đã đặt vấn đề: “Phóng viên, không chỉ là những phóng viên trực tiếp tham gia chống dịch cũng phải được đưa vào nhóm ưu tiên được tiêm vaccine miễn phí để an toàn cho cả cơ quan báo chí. Tất nhiên, trong điều kiện vaccine còn khan hiếm, trước hết hãy ưu tiên cho những phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại các tâm dịch”.

Nhìn lại hơn một năm qua, trong cuộc “chống dịch như chống giặc”, sự thành công của Việt Nam là điều đã được thế giới ghi nhận, và trong đó phải kể đến sự đóng góp có hiệu quả của báo chí. Nhiều phóng viên lăn xả vào các “mặt trận” để đưa tin, cảnh báo cho người dân và tuyên truyền các quy định phòng dịch của chính quyền và cơ quan y tế. Các cơ quan báo chí xem việc tham gia phòng chống dịch COVID-19 là trách nhiệm lớn nhất trong thời gian bùng phát dịch.

Rất cám ơn thành phố Đà Nẵng đã đưa phóng viên vào diện ưu tiên tiêm vaccine COVID-19, đây chính là nguồn động viên để phóng viên an tâm và quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ của người làm báo.

Các địa phương khác cũng cần xem xét để tiêm vaccine cho phóng viên trực tiếp tác nghiệp trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Điển hình như, khi có thông tin một số nước láng giềng bùng phát dịch COVID-19, nhiều phóng viên có mặt ở vùng biên giới, hải đảo, đưa tin về các trường hợp nhập cảnh trái phép. Những phóng viên này cần được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn, bởi vì họ đang hoạt động những vùng và tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tiêm vaccine để bảo vệ phóng viên làm nhiệm vụ phòng dịch COVID-19, đó cũng là bảo vệ lực lượng trên tuyến đầu “chống dịch như chống giặc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn