MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loạn giá tại các nhà thuốc đến mức có nơi bán với giá cao hơn từ 6-9 lần giá thị trường. Ảnh: Điều tra của LĐO

Tiền dân "bốc hơi" khi nhà thuốc “tốc biến”

Anh Đào LDO | 20/07/2022 10:57

Với chi phí y tế từ tiền túi chiếm đến 43%, thì chuyện càng nhiều nhà thuốc mọc lên đồng nghĩa với việc người dân càng phải bỏ tiền túi nhiều hơn.

Chuỗi nhà thuốc An Khang, từ cuối tháng 5 đến nay, mở mỗi tháng trên dưới 100 nhà thuốc mới, để đạt kế hoạch 800 nhà thuốc trong năm 2022. Đúng là một tốc độ tên lửa.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có 695 điểm bán (báo Dân Việt cập nhật đến ngày 19.7). Trong khi đến cuối năm 2021, Long Châu mới chỉ có 400 nhà thuốc. Tức là chỉ nửa năm qua, chuỗi nhà thuốc này cũng có thêm đến 200 điểm bán.

Còn "ông trùm" Pharmacity thì khỏi nói rồi: 1.100 nhà thuốc. Tham vọng 1.750 vào cuối 2022 và kế hoạch là 2025 sẽ có 5.000 nhà thuốc. Nhà thuốc chuỗi Pharmacity dày đặc đến mức ở một số nơi, nhiều cửa hàng cách nhau chỉ 200 - 300 m.

Con số 57.000 nhà thuốc được thống kê trên toàn quốc, giờ đã bị phá ngoạn mục. Từ lâu rồi.

Sự “tốc biến” của số nhà thuốc đang cho thấy một điều rằng dược phẩm vẫn luôn là ngành sống khoẻ. Mưa lũ cũng sống khoẻ. Bão giá cũng sống khoẻ. Còn dịch bệnh ư? Khẩu trang tăng giá 400%, thuốc điều trị Covid “loạn cào cào”, cấu kết cò mồi lập ma trận, không gì không làm, càng dịch bệnh càng sống khoẻ.

Nhưng tại sao nhà thuốc “tốc biến” kinh khủng như vậy?

Chúng ta có đến hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hàng triệu lượt khám, chữa bệnh một năm. Nhưng trong số 120.000 tỉ đồng tiền thuốc chi phí hàng năm BHYT chỉ thanh toán khoảng 36-37%.

Chúng ta mất 4,5% tiền lương để đóng BHYT. Nhưng đến thuốc thì xin mời ra nhà thuốc, càng biệt dược, càng đắt thì càng phải “ra ngoài”.

Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng lên 37,97 USD vào năm 2015; 56 USD năm 2017 và ước tính duy trì đều như vắt chanh ở mức “ít nhất 14%/năm” cho tới năm 2025. Trong 2 năm đại dịch, mức chi tiêu này đột biến chưa thể tính toán được.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cũng từng xác nhận hiện 90% dân số đã có thẻ BHYT, tuy nhiên chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%.

43%, có nghĩa là gấp gần 2 lần mức khuyến cáo của WHO (20%), gấp gần 3 lần tại các nước phát triển (chỉ 14%)

Bà Nguyễn Kim Phương, chuyên gia của WHO tại Việt Nam từng nhìn nhận mức: khoản chi cho y tế từ tiền túi của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì đó là "chi phí y tế mang tính thảm họa".

Nhà thuốc “tốc biến”, nhưng nếu không quản lý được, không ngăn chặn được tình trạng hoa hồng, chẳng hạn lên đến 7,5 tỉ trong vụ Pharma- thì tiện thì tiện đấy nhưng không khéo tiền túi dân bị đẽo sạch, chẳng còn mà tiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn