MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: H.N

Tiền không có lỗi!

Anh Đào LDO | 14/08/2018 11:59

“Cần được xem xét và cân nhắc” - chữ trong ngoặc kép là với nguồn vốn vay Trung Quốc - đề xuất của Bộ KHĐT trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA).

Muốn hay không vẫn phải nhắc lại những thông số rất bức xúc từ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông: 14km chiều dài. Số km ngầm: 0. Tổng vốn 552 triệu USD, “điều chỉnh” lên 802 triệu. Nguồn vốn: Trung Quốc. Đơn giá: 63 triệu USD/km. Khởi công 2011. Hoạt động: ? (hỏi chấm). Tốc độ 35km/h. 600 người vận hành. Mỗi năm trả lãi 650 tỉ đồng. Mỗi ngày phải trả 1,8 tỉ đồng.

Theo Bộ KHĐT, vay vốn Trung Quốc, thực hiện qua Ngân hàng XNK Trung Quốc - đi kèm điều kiện lãi suất (khoảng 3%/năm), phí cam kết (0,5%), phí quản lý (0,5%), thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm.

Nhưng "tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ”.

Và việc “cần xem xét, cân nhắc” còn xuất phát từ một trong những lý do không vui khác: “Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư" - dẫn từ báo cáo.

Cát Linh - Hà Đông không phải là dự án gây nhiều bức xúc duy nhất. “Người anh em” của nó - tuyến Nhổn - Ga Hà Nội - cũng lê lết, bê bết không kém: Khởi công 2010, dự kiến 2021, tức 11 năm. Và tổng vốn từ 1 tỉ USD giờ đã là 1,6 tỉ USD.

Hà Nội cũng không phải thành phố duy nhất lĩnh trái đắng. Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 1,09 tỉ USD ban đầu đã đội lên 2,49 tỉ. Tuyến Bến Thành - Tham Lương từ 1,3 tỉ lên 2,05 tỉ USD.

3 dự án này sử dụng ODA đa dạng, từ nguồn vay ADB, ODA Nhật Bản, Đức...

“Câu trả lời chung”, vừa đội vốn khủng khiếp vừa kéo dài tiến độ vô hạn cho thấy thực tế rằng đồng tiền không có lỗi dù là nhân dân tệ Trung Quốc, yên Nhật, mác Đức, hay dollar Mỹ dẫu cho tính chất vay và các điều kiện vay vốn khác nhau.

Lỗi chính là ở những người quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm với đồng vốn, vốn không dễ để vay.

Trước Quốc hội, nhiều lần khuyến cáo về ODA “miếng pho mát cho không là miếng pho mát trong bẫy chuột” đã được cất lên.

Cho nên, những kiến nghị của Bộ KHĐT hôm nay là cần thiết, nhưng chưa đủ. Chừng nào mà cơ chế “tập thể trách nhiệm” hay “lý do khách quan” vẫn còn được chấp nhận trong việc xử lý trách nhiệm những dự án đầy rẫy "sự cố" như Cát Linh - Hà Đông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn