MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền vay phải “đẻ” ra lãi, không “đẻ” ra nợ

Đào Tuấn LDO | 18/08/2018 06:49

2017, mỗi người Việt “gánh” 31 triệu tiền nợ công. 2018, số nợ ấy đã tăng lên thành 35 triệu. Và sẽ còn tiếp tục tăng khi tốc độ nợ công tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP.

35 triệu đồng nợ công mà mỗi người Việt phải gánh là con số trong kịch bản nợ công mà Bộ KHĐT vừa đưa ra.

Những con số quả thật không thể không giật mình. Giật mình cả ở con số tuyệt đối, ở tỉ lệ nợ trên đầu dân và cả ở xu hướng tăng dần với 260.000-380.000 tỉ đồng mỗi năm.

Theo kịch bản này, từ  hơn 2,2 triệu tỉ đồng năm 2014, năm nay, nợ công ước 3,5 triệu tỉ và sẽ là 3,9 triệu tỉ năm 2019, và 4,3 triệu tỉ vào năm 2020.

Để nhìn rõ khối nợ và tốc độ tăng quá nhanh, hãy nhớ là 2006, nợ công chỉ vào khoảng 24 tỉ USD, tương đương 382.000 tỉ đồng, chiếm 44,5% GDP.

Tức là con số tuyệt đối nợ công khi ấy chỉ tương đương với mức tăng nợ mỗi năm hiện nay. Và 380.000 tỉ, so với 3,5 triệu tỉ, nó là gấp gần 10 lần.

Phải công bằng rằng vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn vay từ các định chế, các tổ chức tín dụng là việc các quốc gia phải làm.

Cần công bằng rằng nhờ những nguồn vốn ấy, bộ mặt đất nước đã thay đổi rất nhiều. Nó ý nghĩa như một tiền đề phát triển hơn chỉ là cảm giác chẳng hạn đi trên một xa lộ tốc độ 120km/h.

Cũng phải nói thêm tốc độ nợ tăng quá nhanh cũng có nguyên do là đất nước đã trở mình, trở thành một quốc gia thu nhập trung bình khiến lãi suất vốn đương nhiên tăng.

Nhưng cũng phải thẳng thắn, nguyên do của việc nợ công tiệm cận giới hạn (65% GDP) là vì chúng ta đang sử dụng vốn ở không ít dự án rất thiếu hiệu quả, nếu như không nói là lãng phí.

Những con số, cũng do Bộ KHĐT đưa ra, có lẽ phản ảnh chính xác và khách quan y như lột tả thứ được coi là “thực trạng” ấy.

Chỉ riêng 5 dự án đường sắt đô thị xây dựng đã đội vốn khoảng 114.740 tỉ đồng, tức là gần 5 tỉ USD.

12 đại dự án của ngành công thương, tính đến giữa năm nay, “ôm” đống nợ 58,5 nghìn tỉ đồng. Tổng số lỗ luỹ kế của 10 dự án 18,6 nghìn tỉ đồng.

Nợ không từ trên trời rơi xuống. Nợ do chúng ta mải miết đi vay và sử dụng rất phí phạm đồng tiền ấy. Nợ không tự nhiên tăng tốc khủng khiếp, nó là do cách chúng ta quản lý và sử dụng đồng vốn ấy.

Trong thực trạng đã có giải pháp. Muốn “gia tài” để lại cho “con cháu chúng ta” ngày mai bớt nặng nề, không có cách nào khác, phải có sự lựa chọn để chọn đúng “đồng tiền biết đẻ” cho những “dự án biết đẻ”. Tất nhiên, không phải “đẻ” ra nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn