MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia Lai là địa phương xảy ra nhiều vụ phá rừng gần đây

Tiếp theo Ninh Bình, Gia Lai đệ đơn xin khai tử... rừng nghèo!

Lê Thanh Phong LDO | 13/12/2020 12:35
Cụm từ “chuyển đổi mục đích sử dụng” là nói cho nó có tính “khoa học”, là để che mắt thiên hạ. Còn nói cho nó thẳng thắn là xin phá rừng, đó là quan điểm của Báo Lao Động trong bài viết "Kỷ luật những lãnh đạo địa phương đề xuất phá rừng" đăng ngày 19.11.2020.

Mới toanh, tỉnh Gia Lai trình Bộ NN-PTNT thẩm định để trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội xin chuyển mục đích sử dụng 4.700 ha rừng nghèo thuộc địa bàn xã Ia Mơr, H.Chư Prông.

Thế nào là rừng nghèo, con người ta dễ bị "đánh lừa cảm xúc" bởi những từ ngữ của báo cáo. Thế nào là rừng nghèo?

Rừng nghèo là rừng không còn trữ lượng gỗ, và rừng không còn gỗ là do người khai thác cạn kiệt. Nhưng xin thưa rằng, rừng nghèo vẫn là rừng, vẫn còn cây xanh, thảm thực vật, lớp cây bụi, là môi trường sinh sống của nhiều loại thực vật.

Rừng nghèo là do con người phá hoại khai thác hết gỗ, nhưng vẫn là rừng tự nhiên, vẫn giữ được nước, hạn chế xói lở và lũ lụt. Rừng nghèo vẫn phòng hộ được đầu nguồn, bảo vệ môi trường. Còn hơn nếu bị "xóa sổ", thì vùng hạ nguồn không còn một tấc rừng để cản nước ở đầu nguồn khi xảy ra thiên tai.

Đừng chê rừng không còn gỗ là nghèo, để rồi mượn cớ khai tử. Và từ đó trở thành tiền lệ, phá rừng giàu thành rừng nghèo, chê rừng nghèo nên xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Dù bằng mỹ từ gì để che đậy thì cuối cùng vẫn là phá rừng mà thôi.

Và quan trọng hơn, rừng nghèo cũng có thể hồi phục. Hãy để yên, đừng khai thác, đừng tiếp tục khai tử, thì mẹ thiên nhiên sẽ tái tạo và con cháu chúng ta sẽ có được những cánh rừng tự nhiên giàu có như ngày nào.

Cho nên, xin nói thẳng là phản đối tất cả các dự án liên quan đến phá rừng.

Cũng mới đây thôi, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi.

Dư luận lên án gay gắt và Bộ NNPTNT đã không chấp thuận đề nghị phá rừng này. Hy vọng, Bộ NNPTNN cũng sẽ không chấp nhận đề nghị 4.700 ha rừng của tỉnh Gia Lai.

Tỉnh Gia Lai là địa phương xảy ra nhiều vụ phá rừng, đừng phá rừng thêm nữa.

Và hãy hành động như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, chỉ đạo thu hồi quyết định cho Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Thủy điện Đắk Di 2 tại "điểm nóng sạt lở núi" huyện Nam Trà My. Ông Thanh đã biết lắng nghe dư luận để dừng lại một quyết định mà trước đó cấp phó đã ký.

Lãnh đạo của các địa phương đừng tư duy theo các dự án kinh tế tác động tiêu cực vào thiên nhiên, bắt buộc phải phá rừng, mà hướng đến nền kinh tế xanh và tích cực trồng rừng.

Đối với những cánh rừng giàu đã lỡ tay phá nát trở thành rừng nghèo, thì hãy để yên cho rừng tự nhiên phục hồi, đó mới là lãnh đạo có tầm nhìn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn