MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Trịnh Thị Ngọc - cán bộ dân số Trạm Y tế xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - được phân công làm đội trưởng đội điều trị F0 tại khu cách ly COVID-19. Chị Ngọc chỉ biết khóc khi nói đến những thiệt thòi của mình. Ảnh: Thùy Linh

Tìm ra nguyên nhân cán bộ dân số bị "bỏ rơi" nhưng lại không đưa giải pháp xử lý

Giang Thuỳ Linh LDO | 11/08/2023 10:55

Hàng vạn cán bộ dân số dù hàng ngày thực hiện công việc của cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng lại "nằm ngoài" Nghị định 05. Vậy nguyên do nào đã dẫn đến nghịch lý này?

Trước hết, phải nói đến việc sáp nhập Trung tâm Dân số vào các Trung tâm Y tế - một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ khi trọng tâm của dân số trong tình hình mới đã thay đổi, nhưng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập.

Cán bộ dân số trên cả nước đã và đang phải thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng trong nhiều năm qua tại các trạm y tế, vì thực hiện theo phân công nhiệm vụ của cấp trên mà không được hưởng phụ cấp phù hợp là 40% như các cán bộ y tế khác làm cùng nhiệm vụ.

Từ những bất cập đó, quá trình ban hành và triển khai Nghị định 05 tiếp tục bộc lộ những bất cập lớn, khiến cho hàng vạn cán bộ dân số không nằm trong đối tượng thụ hưởng đối với chính sách nhân văn của Đảng và Chính phủ.

Phải khẳng định, cán bộ dân số là một bộ phận không thể thiếu của ngành Y tế. Kể từ khi sáp nhập, cán bộ dân số làm việc tại các trạm y tế, trung tâm y tế trên cả nước, tiếp tục trở thành một "mắt xích" không thể tách rời của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đặc biệt là trong chống dịch COVID-19.

Thế nhưng, những bất cập không được giải quyết, lại nảy sinh bất cập mới, nối tiếp nhau, để dẫn đến nhiều cán bộ dân số "lạc lõng" trong chính "ngôi nhà mới" của mình.

Tiếp đó, phải kể đến "lỗi" của các địa phương. Các địa phương đã căn cứ vào đâu khi phân công nhiệm vụ y tế cho cán bộ dân số? Nghĩa vụ luôn đi kèm với quyền lợi, nhiệm vụ luôn đi kèm với chế độ tương ứng, trong khi chế độ phụ cấp lại quy theo vị trí việc làm. Tại sao khi phân công nhiệm vụ, khi làm chính sách lại đổ phần thiệt thòi "lên đầu" cán bộ dân số?

Bộ Y tế nói rằng, phải trả lương, phụ cấp theo vị trí việc làm, cán bộ dân số chỉ làm nhiệm vụ dân số. Thế nhưng, thực tế tại các địa phương lại không phải như vậy.

Các địa phương cứ "vô tư" phân công nhiệm vụ cho cán bộ dân số mà không cần quan tâm đến chế độ phụ cấp tương xứng cho họ. Cán bộ dân số làm đủ thứ nhiệm vụ y tế là do địa phương phân công sai nhiệm vụ. Hay nói cách khác, cán bộ dân số được "tận thu sức lao động".

Trong khi đó, Bộ Nội vụ lại giao cho địa phương toàn quyền quyết định trong việc phân công nhiệm vụ. Vậy phải chăng, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đang "đem con bỏ chợ"?

Chưa nói đến việc ngay cả cán bộ dân số không có chuyên môn y tế cũng đã bị phân công nhiều chương trình y tế khác ngoài dân số.

Các Bộ đã đưa ra quan điểm chồng chéo nhau như vậy thì việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ không thể thực hiện được. Đấy là còn chưa nói đến sẽ vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của cán bộ dân số trên cả nước.

Cán bộ dân số được phân công trực chốt chống dịch COVID-19. Không chỉ trong dịch COVID-19, cán bộ dân số vẫn thực hiện đầy đủ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng được cấp trên giao phó. Ảnh: Cán bộ dân số cung cấp

Việc sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị 19 của Trung ương 6 khoá 12. Thế nhưng đã đến lúc ngành Y tế phải thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, để có hướng tháo gỡ, không thể để bất cập này kéo theo bất cập khác.

Với những lý do mà Bộ Y tế đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định 05 có thể thấy rằng, cán bộ dân số không thiếu bất cứ tiêu chuẩn nào để được hưởng phụ cấp của nghị định này.

Công việc hàng ngày của dân số rất "lớn và khó". Họ chống dịch tiên phong, tích cực. Họ gánh vác thêm nhiệm vụ y tế. Trong khi đó, ngành Y tế cần thu hút thêm nhân lực. Đời sống của viên chức dân số cũng khó khăn, cũng có nguy cơ bỏ việc, chuyển việc.

Nguyên nhân đã rõ, nhưng không bộ nào xắn tay vào xử lý mà lại đẩy trách nhiệm về các địa phương. Ở phía đối diện, nhiều địa phương vẫn lặng im, bất chấp thực tế thiệt thòi của cán bộ trên địa bàn mình phụ trách. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn