MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài toán lớp 3 của Việt Nam được lên báo nước ngoài.

Tìm x, tốt nhất hãy ra công viên

Đào Tuấn LDO | 31/05/2015 07:55
Một bài toán lớp 3 đang khiến mạng xã hội “nổi sóng”. Đại ý đó là một… bài toán. Và hãy để tôi kể cho bạn nghe sự “nổi sóng” như thế nào:
Đầu tiên là các bậc phụ huynh, tất nhiên - họ “đau cả đầu”. Họ tranh cãi loạn xị. Và họ bó tay.

Ngay cả các thầy giáo, chẳng hạn lẫy lừng như GS Văn Như Cương cũng nhìn thấy rằng bài toán “không phải khó mà rất khó, cực kỳ khó, rối rắm”.

Rồi không chỉ các bậc phụ huynh - “học sinh bất đắc dĩ mỗi tối” của nền giáo dục, không chỉ các thầy cô - vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của bài toán khó, ngay cả đến các tiến sĩ toán học cũng cau mày. TS Giáp Văn Dương, trên trang cá nhân ngỏ lời mời GS Ngô Bảo Châu và một số nhà toán học hàng đầu Việt Nam giải với hy vọng muốn biết, các giáo sư sẽ giải bài toán trên hết bao nhiêu thời gian (GS Ngô Bảo Châu là ai chắc khỏi cần giải thích).

Bài toán khó, câu chuyện “bài toán của học sinh 8 tuổi” nó khủng khiếp đến nỗi “gây bão” sang cả Anh, Mỹ.

Sau khi các tờ báo lớn trên thế giới như The Guardian, Mirror… đăng lại đề toán, bạn đọc của họ “đồng loạt kêu giời”.

Số khác, “hung hăng hơn”, viết chương trình máy tính để giải bài toán. Một số “lập trình” bằng một phương pháp mà chắc chắn không một học sinh lớp 3 nào có thể hiểu để kết luận có 136 đáp án.

Tờ The Guardian đắn đo kết luận, bài toán này có hơn 100 cách giải và 362.880 đáp án đúng. Trong khi đó, đa số độc giả của họ lắc đầu, không thể hiểu tại sao người Việt lại muốn hãm hại đầu óc của những đứa trẻ 8 tuổi một cách thô bạo như vậy, bất chấp việc The Guardian “khuyến cáo” trước rằng: “Việt Nam xếp thứ 17 môn Toán và thứ 8 môn Khoa học, vượt xa rất nhiều nước phương Tây như Anh (xếp thứ 26 và 20) hay Mỹ (xếp thứ 36 và 28). Vì thế, mọi người đừng cảm thấy khó hiểu khi họ ra cho học sinh một bài toán khó như vậy”.

Đố bạn biết câu chuyện này có ý nghĩa gì?!

Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Hoặc nếu có thì chỉ có một ý nghĩa duy nhất là một phụ huynh ở Anh quốc đã đưa ra: “Thay vì bắt đứa trẻ của bạn tìm x (kết quả của bài toán) hãy dắt chúng ra công viên”.

Hẳn nhiên rồi, một đứa trẻ 8 tuổi, cho dù đang học tập tại một nền giáo dục “hạng 12 thế giới” hơn cả Anh, Mỹ hẳn nhiên sẽ biết được nhiều thứ hơn là phải gù lưng, dại mắt giải một bài toán khó đến mức các tiến sĩ lừng danh cũng phải lắc đầu, trong khi không hề biết tại sao phải giải bài toán đó và giải để làm gì!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn