MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trường hợp bị xử phạt vì thông tin sai sự thật về dịch bệnh virus COVID-19 trên Facebook (nguồn: mic.gov.vn).

Tin giả về COVID-19: Không có “người hùng” trên mạng xã hội

Thế Lâm LDO | 22/02/2020 16:44

Đến thời điểm này, tổng cộng đã có khoảng 20 trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch bệnh virus COVID-19 trên các trang Facebook cá nhân hoặc fanpage của các nhóm, hội đã bị cơ quan chức năng xử phạt với mức từ 7,5-15 triệu đồng.

Thông tin sai sự thật cũng là một loại tin giả, cho dù xuất phát từ động cơ có thiện ý hay xấu, thì cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng nói chung. Cụ thể tin giả về COVID-19 gây hoang mang dư luận, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến căng thẳng và phức tạp tại nhiều quốc gia.

Phòng chống dịch COVID-19 không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Y tế, mà cả hệ thống chính trị, và người dân cũng vào cuộc bằng cách thiết thực nhất là tự bảo vệ mình với các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Phòng chống dịch trên mặt trận tuyên truyền cũng là một cách. Tuy nhiên, khi đã thông tin về dịch bệnh virus COVID-19 trên các phương tiện truyền thông nói chung và mạng xã hội nói riêng, yếu tố tiên quyết là phải đúng sự thật, trúng việc và trúng người, chứ không thể chỉ “nghe nói”, “nghe đồn”.v.v… mà không cần xác minh thông tin và nguồn tin một cách cẩn trọng trước khi đăng tải trên trang mạng xã hội.

Thế giới rộng mở cho những cách thể hiện chính mình, trong đó bao gồm sự thể hiện khả năng nắm bắt thông tin, thể hiện tinh thần làm việc thiện nghĩa, làm điều tốt… Song, muốn làm “người hùng” trong dư luận đi chăng nữa thì cũng cần mang đến thông tin đúng, chính xác, hữu ích cho cộng đồng. Còn nếu ngược lại, đó chỉ là sự nhanh nhẩu đoảng, vội vã hấp tấp dễ gây ra hệ lụy cho mọi người. Không có những “người hùng” trên Facebook hay các trang mạng xã hội tung ra thông tin chỉ gây hoang mang dư luận!

Trong khoảng 20 trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, một số người đã lầm tưởng, ngộ nhận về mình, tự sướng với việc mình đã “đưa tin nhanh hơn các báo” về các trường hợp dịch bệnh COVID-19.

Thông tin đúng, chính xác đã đành, thậm chí còn cần đưa tin có tâm. Bởi không ít trường hợp trên mạng xã hội, cũng đưa những thông tin chính xác theo các nguồn từ phương tiện thông tin đại chúng đã đăng, nhưng kèm theo là những bình luận gây gợn nỗi lo lắng, phập phồng cho người xem, người nghe thay vì có thể chỉ ra những cách, biện pháp giúp mỗi người tự nâng cao ý thức về phòng ngừa dịch bệnh, hoặc giải thích các thông tin từ những cơ sở, chứng cứ xác đáng theo cơ quan y tế chính thống.

Trong số khoảng 20 trường hợp bị xử phạt, một người sau khi đăng tải thông tin sai sự thật lên trang Facebook cá nhân, sau đó có người vào bình luận cho biết thông tin không đúng, thế nhưng “chủ phây” lại cố chấp, chẳng những không xác minh lại thông tin mà cũng chẳng gỡ bỏ thông tin sai đó.

Sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong cách thông tin trên mạng xã hội là khá phổ biến từ trước tới nay. Nhưng với những thông tin về dịch bệnh COVID-19 hiện nay, sự tùy tiện và thiếu trách nhiệm đó có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn