MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bạn trẻ đến chợ Bến Thành, TPHCM chụp ảnh Tết với áo dài. Ảnh: Diệu Mi

Tín hiệu vui từ việc bùng nổ doanh thu áo dài dịp Tết

Hoàng Văn Minh LDO | 08/02/2024 06:30

Một tin rất vui và đầy hy vọng với ngành công nghiệp áo dài khi nhìn vào con số doanh thu trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo trong tháng 12.2023.

Metric – một nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử - vừa công bố một thống kê gây bất ngờ: Chỉ trong tháng 12.2023, thời điểm 2 tháng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân trong nước đã chi đến 41,5 tỉ đồng để mua gần 245.000 chiếc áo dài trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Mức này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Cũng theo Metric, trong năm 2023, đã có 2.200 nhà bán hàng cung cấp ra thị trường 894.000 áo dài. Và trên các sàn online, doanh thu mặt hàng áo dài năm 2023 đạt hơn 196.000 tỉ đồng, tăng hơn 16% so với 2022.

Đây là những con số mua sắm trang phục rất ấn tượng, trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn đang rất khó khăn và tâm lý chung của người dân là thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt, con số ấn tượng này lại gắn liền với một sản phẩm đã và đang có những phản ứng trái chiều trong thời gian qua là áo dài.

Những con số này còn tiếp thêm niềm hy vọng cho công cuộc xây dựng áo dài trở thành sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa vốn nhiều tính khả thi nhưng cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, bất trắc.

Còn nhớ hồi năm trước trên Báo Lao Động, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - đơn vị đang triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” - từng nhẩm tính để cho những con số vô cùng hấp dẫn.

Năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19 và du lịch hoạt động bình thường, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 4,9 triệu lượt khách. Chỉ lấy khiêm tốn con số khoảng 10% du khách đến Huế, mỗi người may một bộ áo dài thì Huế đã bán được 490.000 bộ áo dài. Chỉ tính trung bình mỗi bộ áo dài giá 1 triệu đồng thì đã có doanh thu 490 tỉ đồng.

Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách. Nếu nhân với các con số khiêm tốn tương tự thì sẽ có doanh thu trung bình mỗi năm là 700 tỉ đồng từ công nghiệp áo dài.

Còn nếu xây dựng thành công thương hiệu “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” để 30-40% du khách đến Huế may áo dài thì doanh thu từ sản phẩm này có thể đạt từ 2.100 -2.800 tỉ đồng.

Dĩ nhiên đó vẫn là câu chuyện “đếm cua trong lỗ” khi nhìn lại thực tế của một năm 2023 đã qua vì rất nhiều lý do.

Trong đó vấn đề cơ bản nhất, như nhận định của TS Phan Thanh Hải, là mặc dù “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030” với nhiều kỳ vọng về phát triển công nghiệp văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn chưa định hình rõ nét và đồng bộ. Hiện nay, mô hình kinh doanh vẫn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ ở từng lĩnh vực, từng địa phương…

41,5 tỉ đồng trong tháng 12 và 196.000 tỉ đồng cho cả năm 2023 trên 4 sàn thương mại điện tử là các con số nói lên rất nhiều điều. Nhưng trên hết, nó là chỉ dấu cho thấy ngày càng có nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ “quay về” với áo dài và xa hơn là văn hóa truyền thống của dân tộc.

Và đây là thời cơ không thể tốt hơn để ngành văn hóa du lịch và các địa phương tăng tốc để sớm đưa áo dài trở thành mặt hàng điểm của công nghiệp văn hóa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn