MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ nổ súng bắn người ở Thái Nguyên. Ảnh: CACC

Tình trạng tự xử: Khi “người phán xử” quên phán xử

Anh Đào LDO | 16/02/2022 12:32

Vụ nổ súng bắn chết người ở Thái Nguyên là một điển hình của tình trạng tự xử khi mâu thuẫn không được giải quyết? Như việc 57 người dân ở Đạ Huoai, Lâm Đồng kêu cứu vì bị khủng bố suốt ngày đêm bằng loa công suất lớn.

Công an Thái Nguyên đã có thông tin ban đầu về vụ nổ súng bắn chết người ở Võ Nhai hôm 15.2.

Theo đó, ông Lê Văn T và vợ là bà Phạm Thị Đ (ở xóm Tân Tiến) đang xây tường rào thì bị Lê Văn H (41 tuổi, cùng xóm) đứng trên tầng 2 nhà H dùng súng bắn.

Ông Lê Văn T tử vong, bà Phạm Thị Đ được đưa đi cấp cứu. Lê Văn H cũng đã dùng súng tự sát.

Nguyên nhân: Do mâu thuẫn trong tiền bạc.

Trong khi đó, ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, 57 công dân thị trấn Đạ M'ri lên tiếng kêu cứu khi một doanh nghiệp dùng loa công suất lớn khủng bố tinh thần suốt từ 7 giờ sáng tới 22h đêm.

Báo chí, dẫn nguồn từ UBND huyện Đạ Huoai xác nhận mâu thuẫn của các hộ dân với Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.

Và “vụ việc mâu thuẫn này đang được các ngành chức năng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Bắn chết người hay dùng loa công suất lớn khủng bố thì đều có điểm chung là tình trạng “tự xử” trong xã hội.

Tình trạng này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cảnh báo từ năm 2013. Khi ấy, khắp nơi là những vụ xử nhau vì những lý do lãng xẹt. “Chồng giết vợ, vợ thuê người bắt giữ chồng, nam sinh đâm nhau vì “mày quá đẹp trai”, nữ sinh đánh nhau chưa từng có... Có tuần bốn vụ giết người thì ba vụ chồng giết vợ, một vụ vợ giết chồng” (lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan).

Tới tháng 9 năm ngoái 2021, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới một lần nữa nhắc lại tình trạng “tự phán xử” trong xã hội: "Mới đây, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều”.

Mâu thuẫn là điều không thể dẹp bỏ trong xã hội. Và đó cũng là lý do cho sự tồn tại của luật, của cơ quan thực thi pháp luật, của chính quyền. Nhưng tình trạng tự xử chỉ xảy ra khi mâu thuẫn dồn nén không được giải quyết.

Có lẽ, vẫn còn nguyên tính thời sự với đề nghị của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga năm đó: “Cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu ngay tại địa phương”. Bởi bản chất họ chính là “người phán xử” nhưng đã bỏ quên nhiệm vụ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn