MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ đầu tư BOT T2 vừa đòi trả lại trạm vì lý do "nguy cơ nợ xấu" và "Tiền âm"

Tối hậu thư của... BOT

Anh Đào LDO | 02/07/2019 19:04

Ngày 6.7 là thời hạn cuối để “đóng cửa trạm” nếu BOT Hà Nội- Bắc Giang không triển khai thu phí không dừng - “tối hậu thư” của Tổng Cục đường bộ. Trong khi đó, BOT T2 cũng mang món nợ và khoản “âm 99 tỉ” để gây sức ép với Chính phủ.

Trong một văn bản phải nói là thừa quyết liệt, cuối cùng, Tổng cục Đường bộ đã ra được một thời hạn cụ thể, ngày 6.7.2019, với một BOT cụ thể: Hà Nội- Bắc Giang để thể hiện sự quyết liệt trong việc thực hiện việc thu phí không dừng.

Trên thực tế, việc triển khai thu phí tự động chậm đến mức chây ì. Chây ì đến nỗi không ít câu hỏi về sự minh bạch được đặt ra và việc người dân tự tổ chức đếm xe, tính phí chính là một chỉ dấu niềm tin đang xuống đến rất thấp.

Cũng không ít lần BOT trở thành chủ đề nóng trước Quốc hội. Không ít lần, chúng tạo sóng dư luận, gây bức xúc xã hội sau khi việc che dấu doanh thu phát lộ qua các cuộc thanh tra, kiểm toán.

Không có gì phải nghi ngờ về lợi ích nhóm, về việc che giấu doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí. Không có nghi ngờ gì về việc các BOT sợ thu phí tự động, như sợ sự minh bạch.

Phải nhấn mạnh, Chính phủ đã hai lần yêu cầu thực hiện việc triển khai thu phí tự động không dừng. Gần nhất, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng đưa ra thời hạn 31.12.2019 như một “ngày D” để tất cả các trạm thu phí BOT phải hoàn thành việc lắp đặt thu phí tự động không dừng.

31.12 sẽ lại trôi tuột như cái hạn cuối 2018 mà Bộ GTVT từng đưa ra nếu các cơ quan thực thi vẫn giậm chân tại chỗ, nếu nhân nhượng cho vô vàn những lý do các BOT đưa ra để trì hoãn.

Nhưng, cũng là một kiểu gây sức ép, chủ đầu tư BOT T2 Vàm Cống hôm qua cũng đã đòi “trả trạm BOT” sau khi T2 phải đóng cửa.

T2, chính là cái BOT “đi 200m phải trả tiền nguyên tuyến”, chính là cái trạm “phải trả tiền trứng dù chỉ có cái vỏ”, chính là sự bắt chẹt đến mức cả người dân, lẫn chính quyền 3 tỉnh đều kêu.

Với việc đặt T2 sai vị trí trên QL, BOT này bắt chẹt xe cộ, bắt chẹt chính quyền, bắt chẹt dân chúng. Và giờ đây, với việc đòi trả lại BOT, phải chăng chủ đầu tư đang ra tối hậu thư, đang mặc cả, đang dọa cả Chính phủ?

3 quyền lợi trong mỗi dự án, trong đó có quyền lợi DN cần phải được đảm bảo. Nhưng rõ ràng không thể chấp nhận kiểu mặc cả với chính quyền, không thể chấp nhận lối “trả lại BOT” vì thua lỗ. Lại càng không thể vì “nguy cơ nợ xấu”, vì “tiềm âm” của DN mà chấp nhận một vị trí BOT đổ lên đầu dân chúng sự vô lý được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn