MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trả lại công viên cho dân

ANH ĐÀO LDO | 14/06/2019 07:30

Lần thứ ba, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong lên tiếng “đòi công viên cho dân”. Chi tiết “lần thứ ba” cho thấy điều gì? Phải chăng chính là một biểu hiện “Không có kỷ cương, phép tắc gì hết”- như chính phê bình của ông Phong.

Trực tiếp thị sát tại công viên 23/9 năm ngoái, ông Phong từng rất bức xúc trước tình trạng “xẻ thịt” với toàn càphê, quán nhậu, ca nhạc. Cũng chính ông từng yêu cầu phải chấm dứt tình trạng bát nháo, chiếm dụng này càng sớm càng tốt.

Nhưng 1 năm đã qua đi, đến hôm qua, Sở Xây dựng vẫn tiếp tục báo cáo “đang lên kế hoạch”.

Đang lên kế hoạch, từ năm này qua năm khác!

Theo báo chí, nghe đến đây, Chủ tịch TP đã “ngắt lời”: “Các đồng chí không chấp hành chỉ đạo là sao? Các đồng chí làm ăn như thế ai chấp nhận được, làm việc mà không có kỷ cương, phép tắc gì hết. Nói để hài lòng nhau mà không có kết quả, làm việc như thế thì nói gì đến cải cách hành chính, đến thành phố thông minh!”

Lấn chiếm, chiếm dụng lá phổi xanh là câu chuyện buồn, gây bức xúc ở hầu hết các TP lớn.

TPHCM chỉ có 542ha đất công viên, đạt chỉ 0,69m2 cây xanh/người (tiêu chuẩn tối thiểu là 7m2/người). Ít, thiếu, nhưng chẳng hạn trường hợp công viên 23/9, các công trình khai thác chiếm tới 40% diện tích. Hay như công viên Phú Lâm, hơn 50% diện tích là vui chơi, nhà hàng ăn nhậu tiệc tùng.

Ở Hà Nội, một thống kê cho biết toàn thành phố chỉ có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng. Có những phường như Văn Chương (quận Đống Đa) chỉ có ba sân chơi cho hơn 18.000 dân, trong đó, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) có một sân chơi khoảng 1.000m2cho gần 20.000 người.

Tổng diện tích vườn hoa, công viên của thủ đô chỉ chưa đầy 1,92% diện tích đất, tức chỉ 2,08m2/người. Trong khi đó, mỗi năm dân số thủ đô dự kiến tăng khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Và mật độ dân số trung bình hiện lên tới 2.100 người/km2.

Ít, và bị “xẻ thịt” đến nỗi các lá phổi xanh này đang bị nhiễm chính căn bệnh đô thị là “bêtông hóa”. Và công viên, từ chỗ là nơi người dân nghỉ ngơi, thư giãn trở thành nơi kinh doanh buôn bán kiếm lời.

Công viên phải trả lại cho dân chứ không phải để các cơ quan được giao quyền quản lý đem cho thuê để lấy tiền - đó là lẽ phải, đó là một nhu cầu chính đáng của dân.

Nhưng để làm được, để lấy lại cái lẽ phải ấy, rất cần có những vị chủ tịch quyết đòi lại công viên cho dân chứ không phải những vị đòi tiếp tục cắt xén, chẳng hạn để làm bãi đỗ xe.

Và để đòi được, cũng không chỉ những lời phê bình là đủ. Chẳng phải chính Chủ tịch TP cũng đã 2 lần phê bình rồi đấy thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn