MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Chợ Rẫy vướng cơ chế đấu thầu thuốc Ảnh: BVCR

“Trách nhiệm lương tâm” có vượt qua được cơ chế đấu thầu thuốc

Lê Thanh Phong LDO | 04/03/2023 17:43

Tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện đang là mối lo ngại rất lớn, TPHCM là địa phương đông dân nhất nước, mối lo càng lớn hơn. Nguyên nhân căn bản là do cơ chế đấu thầu thuốc nhưng đến nay chưa gỡ được.

Ngay cả Bệnh viện Chợ Rẫy, đóng trên địa bàn TPHCM, là bệnh viện có uy tín và điều trị đông bệnh nhân, cũng đang thiếu thuốc và vật tư, thiết bị y tế nghiêm trọng. Từ cuối tháng 2, bệnh nhân đã phải chờ 3 tuần để được xạ trị. Nguyên nhân là bệnh viện có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động. Hai máy còn lại dừng hoạt động từ quý II/2022 vì đã hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các vấn đề đấu thầu.

PGS-TS-BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, việc xây dựng giá gói thầu hiện dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Theo thông tư này, việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là 3 bảng báo giá. Trong quá trình triển khai, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được.

Lấy Bệnh viện Chợ Rẫy làm "điển hình", để có thể thấy được thực tế hiện nay của các bệnh viện.

Một chỉ đạo "nóng" của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên liên quan đến khủng hoảng này.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tri 18 về tăng cường xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ TPHCM diễn ra ngày 4.3, liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng không thể chấp nhận tình trạng thuốc có, tiền người dân có mà phải ngồi chờ vì “cơ chế”.

"Cái nào thuộc tầm vĩ mô thì cấp trên lo, thành phố chúng ta cố gắng, khó khăn gì vượt tầm phải báo cáo ngay. Chúng ta có nhiều cách, nếu cấp mình không thể quyết được thì mình xin cấp trên lo. Thậm chí có những quyết định chính trị bằng trách nhiệm lương tâm của mình", ông Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến chỉ đạo.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đưa ra các giải pháp để có thuốc.

Cách thứ nhất là có khó khăn gì vượt tầm thì báo cáo ngay. Cách này đã làm rồi và làm từ lâu. Việc thiếu thuốc không phải hôm nay, mà đã xảy ra từ năm trước, ngày 3.6.2022, Báo Lao Động đã đăng bài "TPHCM đối diện với tình trạng thiếu thuốc, thiếu bác sĩ".

Cách thứ hai là xin cấp trên lo. Các bệnh viện kêu với Bộ Y tế là cấp trên, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc.

Cách thứ ba là quyết định chính trị bằng trách nhiệm lương tâm. Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay, nếu làm sai quy định thì người ra quyết định có gánh nổi trách nhiệm pháp lý hay không thì ai cũng rõ. Cho nên, thật khó cho giám đốc các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm thuốc và vật tư y tế.

Cơ chế chính là các quy định của pháp luật, vướng thì phải sửa đổi chính các quy định đó. Đây mới là cái gốc để giải quyết khủng hoảng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn