MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triển lãm tranh của hoạ sĩ Bùi Thanh Tâm tại Trung tâm Liên văn hoá Huế. Ảnh: Thái Kim Lan

Trách nhiệm văn hoá và chia phe cãi nhau trên mạng

Hoàng Văn Minh LDO | 02/08/2023 15:08

Từ Huế, TS Thái Kim Lan nhắn: “Em ơi cô báo tin ni. Bé Mai Lan con cô, em còn nhớ không? Ngày ni, Mai Lan và gia đình trở về Sài Gòn để nhận chức Viện trưởng (hay Giám đốc) Viện Goethe ở Sài Gòn”.

TS Thái Kim Lan hỏi “em còn nhớ không” bởi Mai Lan là “nhân vật tí hon” trong cuốn sách nổi tiếng “Thư gửi con” của bà xuất bản hơn chục năm trước mà người viết “có chút tham gia” vào quá trình làm bản thảo.

Trong tin nhắn tiếp theo, TS Thái Kim Lan bảo: “Bây giờ Mai Lan đã có 2 con và trách nhiệm văn hoá”.

Giật mình, bởi lâu lắm mới nghe lại cụm từ “trách nhiệm văn hoá” từ một người đang làm văn hoá.

Và “trách nhiệm văn hoá”, bây giờ bỗng thành một câu trả lời cho những thắc mắc kiểu vì sao đang yên đang lành, TS Thái Kim Lan lại từ Đức quay về Huế để xây dựng “Bảo tàng Gốm cổ sông Hương” với không biết bao nhiêu công sức tiền của?.

Rồi mới đây, TS Thái Kim Lan lại xây dựng, thành lập một “Điểm hẹn liên văn hoá” tại số 96 -98 Bạch Đằng, thành phố Huế. Và tại đây thời gian qua, TS Thái Kim Lan đã đứng ra tổ chức liên tục các sự kiện, hội thảo, toạ đàm… liên quan đến văn hoá nghệ thuật, mà gần nhất là Hội thảo “Văn hoá, kiến trúc nhìn từ di sản và di sản Huế”.

Đây cũng là một phần trả lời cho những hoài nghi về việc vì sao thời gian qua, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cứ “đắm đuối” với Đề án phục hưng áo dài, trong khi thực tế đầy rẫy khó khăn thách thức…

Trách nhiệm văn hoá là một khái niệm rộng, gồm trách nhiệm của những người “sản xuất” văn hoá hay những sản phẩm văn hoá cụ thể. Trách nhiệm của những nhà phê bình, những người trợ giúp quần chúng thẩm định, gạn lọc và tiếp thu các tác phẩm văn hoá. Và cuối cùng là trách nhiệm của toàn dân, của chúng ta - những người “tiêu dùng" văn hoá.

Tuy vậy, một thực tế đáng báo động là chúng ta đã và đang “tiêu dùng văn hoá” theo kiểu thụ động, dễ dãi, ít có sự đòi hỏi về sản phẩm văn hoá chất lượng cao, đặc biệt là với những sản phẩm văn hoá có tính ngoại lai, “thô tục hoá” theo xu hướng toàn cầu của giới trẻ.

Trở lại với “sản xuất” văn hoá. Đây không phải là đặc quyền của một nhóm “tinh hoa” cụ thể mà còn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người thông qua thái độ ứng xử giữa người với người không chỉ ở đời thực mà còn cả trên mạng xã hội, hay cộng đồng cùng chung tay bảo tồn một di sản hay sản phẩm văn hoá.

Và cũng như khía cạnh tiêu dùng, chúng ta cũng đã và đang cùng nhau “sản xuất” ra vô vàn những sản phẩm văn hoá kém chất lượng bằng nhiều cách. Ví dụ như đang thời sự là việc cộng đồng chia phe cãi nhau, mắng chửi nhau cật lực trên mạng khi nhóm nhạc Blackpink lên đường về nước đã mấy hôm rồi…

Có trách nhiệm văn hoá, ngoài yếu tố trách nhiệm của giáo dục góp vào, còn là một sự lựa chọn cá nhân!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn