MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội chậm tiến độ, giờ đến lượt 2 tuyến metro thành phố Hồ Chí Minh cũng lại chậm tiến độ không rõ ngày về đích. Ảnh MQ.

Trái bồ hòn “chậm tiến độ”

Anh Đào LDO | 04/09/2019 10:37

Hai dự án metro có nguy cơ chậm tiến độ. Cao tốc nửa tỉ đô nối Đà Nẵng- Huế ngày thông xe vẫn mờ mịt. Mà một ngày chậm tiến độ là thêm một ngày mất tiền oan. Như dự án Cát Linh- Hà Đông chẳng hạn, mỗi ngày cả gốc lãi đang ngốn đứt 2,4 tỉ đồng.

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sớm nhất phải tới quý 4/2021 mới có thể khai thác, vận hành, thay vì cuối năm 2020 như dự kiến- Báo cáo tiến độ thẩm định của Sở Giao thông Vận tải vừa gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) còn tệ hơn, phải điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành từ 2024 đến năm 2026.

Nhắc đến đường sắt, không thể không mở ngoặc: Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, sau 7 năm thi công, hiện mới chỉ đạt 55% khối lượng, mốc hoàn thành ban đầu là năm 2017 nay đã phải lùi dự kiến đến cuối năm 2022.

Và Cát Linh- Hà Đông, dù chỉ còn 1%, giờ cũng mờ mịt ngày khai thác, sau khi đã hoãn tiến độ gần chục lần.

Metro chậm tiến độ. Cao tốc cũng chậm tiến độ.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang chậm tới 27% so với tiến độ tổng thể. Cao tốc nửa tỉ đô nối Đà Nẵng - Huế chỉ vì thiếu vốn giải phóng mặt bằng 11,5 km, mỗi năm chủ đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan, phải trả khoản lãi vay trên 60 triệu USD và ngày thông xe thì... mờ mịt.

Điều chỉnh hay lùi, thật ra lại chỉ là một, vì trước nay, điều chỉnh chỉ là một cách nói khác của lùi, của chậm tiến độ mà thôi.

Có thể nhìn thấy, rất rõ 3 nguyên nhân chính của “vấn nạn tiến độ”: Giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và năng lực nhà thầu.

Như đoạn La Sơn - Túy Loan trên đoạn cao tốc nửa tỉ đô. Chỉ vì thiếu vốn đã khiến dự án không thể hoàn thành, trong khi mỗi năm phải trả lãi trên 60 triệu USD.

Không chỉ tại dự án nửa tỉ đô này, hàng loạt các dự án khác cũng đang ngổn ngang, từ Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, hầm Hải Vân...

Nhưng đáng ngại, và cũng là đáng sợ nhất là năng lực nhà thầu. Tại dự án Bến Lức - Long Thành, chính Bộ GTVT nhận năng lực của các nhà thầu là yếu kém. Kém đến độ dù được “kiểm chứng năng lực” nhưng thậm chí nhà thầu còn không đủ cả máy móc để thi công.

Hay tại dự án Cát Linh - Hà Đông, sau hơn thập kỷ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xác nhận năng lực tổng thầu quá kém, thậm chí không có khả năng điều hành, rất ít kinh nghiệm trong vận hành khai thác đường sắt đô thị.

Dân vẫn đang phải ngậm trái bồ hòn ấy khi thiếu đường để đi, khi cam chịu loay hoay trong những ùn tắc hàng ngày. Và trong cả sự ngạc nhiên: Vì sao nguyên nhân rõ ràng đến như vậy mà rồi dự án nào cũng lại đi đúng vết xe đổ trong khi mỗi ngày chậm tiến độ là một ngày lãng phí lớn. Rất lớn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn