MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phiên thảo luận của Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV. Ảnh Quochoi.vn

Tranh luận nghị trường để có sự đồng thuận trong dân

Lê Thanh Phong LDO | 16/06/2020 06:38

“Chưa từng bao giờ thấy niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ”, đó là câu nói gây “sốc” của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 15.6.

Nghị trường “nóng” lên khi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói ông đã ngồi cả đêm để xem xét bản án của vụ án Hồ Duy Hải, có rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác tố tụng, công tác tư pháp hiện nay.

Và ông cho rằng: “Những sai lầm của tố tụng, sai lầm tư pháp đừng đổ lỗi cho những đại biểu Quốc hội là làm rối. Đại biểu Quốc hội không bao giờ đi làm rối đất nước này. Nếu không có ĐBQH phát hiện ra điều đó, không kiên quyết vấn đề đó thì liệu các đồng chí có làm không?”.

Trước ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền - đoàn Cần Thơ phản biện: “Nếu cơ quan này, cơ quan kia, kể cả cơ quan tư pháp có sai thì nên tính toán để sửa. Đây là điều chúng tôi và toàn dân mong muốn. Tuy nhiên, trong vấn đề sai, không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây tệ hại như một ý kiến đã đánh giá”.

Các đại biểu Quốc hội tranh luận, phản biện giữa nghị trường mới là “hồng phúc cho dân”. Tranh luận là để tìm ra giá trị thật, để sàng lọc, tìm kiếm, bổ sung những điều tốt đẹp cho dân cho nước. Ví như đối với nền tư pháp, những cải cách vừa qua chưa đủ, cần phải tiếp tục cải cách, cho nên những cảnh báo đưa ra không bao giờ là thừa.

Đại biểu Quốc hội tranh luận không phải vì cá nhân mình mà vì việc chung, không phải vì lợi ích cho bản thân mà vì lợi ích cho dân cho nước, thì đó là điều dân mong muốn.

Giữa nghị trường không có tranh luận, chỉ có gật đầu đồng thuận, thì chưa chắc đã có sự đồng thuận trong lòng dân.

Mục đích cuối cùng cũng là vì dân. Cho nên tranh luận, phản biện cũng để đạt đến mục đích đó.

Có ý kiến đưa ra thuyết phục hoặc chưa thuyết phục, cần có phản biện để làm sáng tỏ vấn đề. Cho nên, phản biện là dưỡng chất để nuôi sống nền dân chủ. Trở lại tranh luận trên, ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có thuyết phục hay không thuyết phục không chỉ được ghi nhận giữa các đại biểu Quốc hội, mà còn là quan sát của cử tri khắp cả nước.

Nhân dân thông minh thừa biết ý kiến của đại biểu Quốc hội nào đúng đắn, thuyết phục, thực sự vì sự tiến bộ của đất nước, vì hạnh phúc của người dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn