MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài thơ "Bắt nạt" gây tranh cãi nhiều lần. Ảnh: Chụp màn hình

Tranh luận nhưng đừng bắt nạt bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh

Lê Thanh Phong LDO | 13/10/2023 11:34

Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục đang trong tâm bão tranh cãi suốt mấy ngày qua.

Nhiều phụ huynh cho rằng, bài thơ thể hiện nhà thơ bí từ, hình ảnh so sánh với “mù tạt” là thách thức với trẻ em sống ở nông thôn, miền núi – nơi ít ăn mù tạt, sẽ khó hình dung mù tạt là gì, và tại sao lại so sánh “bắt nạt” với “mù tạt”...

Từ bài thơ in trong sách giáo khoa được đưa ra tranh cãi, nhiều ý kiến quá khích tấn công luôn tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Nhưng xét cho cùng, làm thơ là việc của nhà thơ, còn chuyện tuyển chọn và đưa vào sách là của hội đồng biên soạn, không liên quan gì đến tác giả.

Cho nên, bắt nạt nhà thơ kể cũng tội nghiệp.

Xét cho công bằng, Nguyễn Thế Hoàng Linh viết nhiều thơ, có một số bài khá thành công, được bạn đọc yêu thích, giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng đáng tiếc là những bài thơ hay lại không được hội đồng biên soạn sách giáo khoa tuyển chọn.

Nhưng ngay cả bài thơ "Bắt nạt", nếu có sự tranh cãi thì cũng bình thường. Chính nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nêu ý kiến, rằng mong các bậc phụ huynh có thể đón nhận những “luồng gió mới” của văn chương hiện đại trên sách giáo khoa. Nhiều chuyên gia về văn học, các thầy cô dạy văn tại các trường cũng vào cuộc “thẩm lại” chất lượng bài thơ “Bắt nạt” và mong dư luận cho văn thơ hiện đại cơ hội bước vào sách giáo khoa để làm mới chương trình giảng dạy.

Ý kiến này không phải không có lý, còn nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề thi môn Ngữ văn liên quan đến tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân bị phê phán gay gắt, bị đánh giá là sáo mòn, không có gì mới, không có tính sáng tạo, nhai lại cái cũ.

Nhai lại cái cũ bị chê không sáng tạo, tìm kiếm cái mới cũng không được tiếp nhận.

Hãy cùng chia sẻ với các nhà biên soạn sách, bên cạnh những tác phẩm văn chương về quê hương đất nước, về tình yêu thương con người, về kỷ niệm tuổi thơ, cánh đồng lúa chín, thì cũng cần có thêm những bài thơ với cách thể hiện khác. Tất nhiên, thử nghiệm cái mới nhưng không thể tùy tiện, mà phải tuyển chọn những tác phẩm hay, đạt chất lượng nghệ thuật.

Từ bài thơ "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh in trong sách giáo khoa, qua các làn sóng tranh luận, các nhà biên soạn sách cần lên tiếng đánh giá về chất lượng nghệ thuật, ý nghĩa của bài thơ và mục đích giáo dục khi tuyển chọn bài thơ này để giảng dạy.

Các vị trong hội đồng biên soạn nói lên quan điểm của mình trong việc tuyển chọn bài thơ "Bắt nạt" một cách thuyết phục, đó là sự thể hiện trách nhiệm của mình với phụ huynh, học sinh và dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn