MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân, thanh đồng tham gia biểu diễn hầu đồng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong khuôn khổ Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Ảnh: Tư liệu

Tranh luận về hầu đồng là cơ hội để Cục Di sản văn hóa bình tâm lắng nghe, sửa đổi

Hoàng Văn Minh LDO | 23/08/2023 11:29

Cục Di sản văn hoá và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nên xem những quan điểm, góc nhìn của các nhà nghiên cứu liên quan đến quản lý di sản qua loạt bài trên Lao Động là cơ hội để lắng nghe và sửa đổi những điều chưa phù hợp.

Báo Lao Động đang có loạt bài phản ánh, phỏng vấn nêu quan điểm, góc nhìn của các nhà khoa học về quản lý di sản, nhân sự kiện Cục Di sản văn hoá phát văn bản “thổi còi” Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đã giới thiệu trang phục hầu đồng và các trích đoạn hầu đồng để diễn giải cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, tại Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam lần thứ 14.

Theo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá thì di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung đã và đang đối diện với rất nhiều thay đổi. Nên việc quản lý di sản của Cục Di sản văn hóa cũng cần có sự thay đổi, có văn bản dưới luật bổ sung quy định để theo kịp những biến đổi của đời sống, nhu cầu cộng đồng, và cả những biến đổi trong di sản.

Phản biện, góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá trước một vấn đề, đôi khi không thuận tai nhà quản lý là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, điều không bình thường trong chuyện này là lãnh đạo Cục Di sản văn hóa lại phản ứng khá tiêu cực khi tiếp nhận những quan điểm trái chiều.

Theo đó, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho rằng, các bài phỏng vấn, lấy ý kiến trao đổi với các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về di sản đăng trên Lao Động đã “cổ súy” cho những cái sai trong xã hội, và đi ngược với định hướng tuyên truyền của Cục Di sản văn hóa. Nhưng cái sai ấy cụ thể là gì, được quy định ra sao thì vị lãnh đạo này lại không thể chỉ ra tường tận trong khi trao đổi.

Lẽ ra, nói như TS Trần Đức Anh Sơn (Đại học Đông Á) - người đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam lần thứ 14 - trả lời Lao Động, rằng: “Đây là một cơ hội để Cục Di sản văn hóa và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bình tâm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như dư luận xã hội về vấn đề này để có những bước đi, giải pháp phù hợp hơn trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này”.

Có một sự trùng hợp khá thú vị là những tranh luận trái chiều liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được bắt đầu tại Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam lần thứ 14, diễn ra tại Huế với chủ đề “Sống cùng với di sản. Tái tạo/ tạo di sản”.

“Sống cùng di sản” thì dễ hiểu bởi có nhiều ví dụ như phố cổ Hội An. “Tái tạo” là làm sống lại những di sản đã hoặc sắp sửa mất đi. Nhưng “tái tạo” còn có nghĩa là sửa sang, làm tươi mới, “bồi thêm” giá trị cho những di sản đang “sống” và “hoạt động” bình thường hoặc có dấu hiệu bất thường.

Theo nghĩa đó, thì việc Cục Di sản văn hóa và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bình tâm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như dư luận xã hội… trong trường hợp này để có sự thay đổi, cũng là một hình thức “tái tạo di sản”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn