MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ Đông Ba có hàng nghìn lô hàng và vô số mặt hàng khác nhau. Du khách đến Huế thường ghé khu chợ này để tham quan, khám phá, thưởng thức đặc sản hay mua quà lưu niệm. Ảnh: Phúc Đạt

Treo thưởng không phải là cách hay để chống chặt chém ở chợ truyền thống

Hoàng Văn Minh LDO | 27/01/2024 19:53

Ban quản lý chợ Đông Ba, thành phố Huế vừa phát thông báo treo thưởng 500.000 đồng cho ai phát hiện tình trạng tiểu thương ở chợ hét giá, “chặt chém” người mua hàng.

Theo đó, người dân, du khách phát hiện có tình trạng “chặt chém”, hét giá ở chợ Đông Ba, chỉ cần quay video và cung cấp ngay cho ban quản lý chợ. Từ chứng cứ đó, ban quản lý chợ sẽ làm việc với tiểu thương để xác minh thông tin.

Nếu đúng, ban quản lý trao thưởng 500.000 đồng ngay cho người cung cấp. Tiểu thương bị phát hiện bán không đúng giá sẽ phải đình chỉ hoạt động tại chợ 7 ngày và phạt tiền theo nội quy.

Đây là một trong rất nhiều giải pháp được Ban quản lý chợ Đông Ba đưa ra trong thời gian qua nhằm thay đổi hình ảnh, trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế, cũng như người Huế xa nhà trở về quê hương... như quyết tâm của lãnh đạo thành phố Huế.

Đông Ba là ngôi chợ truyền thống rất nổi tiếng không chỉ ở Huế, có lịch sử hơn 125 năm tuổi, được xây dựng từ thời vua Gia Long của triều Nguyễn.

Một thời gian dài, chợ Đông Ba được xem là một trong những “bộ mặt” của Huế. Bởi khi bước vào chợ Đông Ba, du khách có thể hình dung được phần nào văn hóa và con người Huế qua hình ảnh, cách mua bán ứng xử của những tiểu thương.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hình ảnh ngôi chợ này bị xuống cấp, lem luốc đến mức không chấp nhận được với các hình ảnh đặc trưng: chợ xuống cấp, nhếch nhác, tiểu thương thì nói thách vô tội vạ với khẩu hiệu nằm lòng của người mua là “chợ Đông Ba chia ba để trả”. Ý rằng, một cái nón Huế, ví dụ tiểu thương hét giá 1 triệu đồng thì cứ trả tầm 300.000 đồng là mua được và không bị hớ.

Không chỉ hét giá, các tiểu thương ở đây còn luôn mắng chửi nhau, mắng chửi khách bằng những ngôn từ không thể nào tưởng tượng được là nó có thể phát ra từ miệng của những bà, chị, em... được gọi chung là “phụ nữ Huế”.

Thực trạng này của chợ Đông Ba, thực tế cũng là chuyện chung của gần như tất cả ngôi chợ truyền thống trên cả nước. Đây cũng là một trong những lý do khiến người mua, đặc biệt là khách du lịch đã và đang hoảng sợ, xa lánh các chợ truyền thống, ngoài lý do phương thức mua bán không cạnh tranh nổi với các sàn thương mại điện tử.

Xóa bỏ cảnh “chặt chém” và nhiều cảnh chướng tai gai mắt khác ở chợ Đông Ba nói riêng và chợ truyền thống nói chung nhằm kéo người dân, du khách quay trở lại mua sắm là chuyện khẩn thiết.

Tuy vậy, cách làm treo thưởng và phạt tiền, đình chỉ hoạt động như ở chợ Đông Ba, về lâu dài rất dễ có tác dụng ngược, cũng khó trở thành kinh nghiệm hay để các chợ khác học tập.

Bởi cách làm này nghe không hợp lẽ lắm với mục đích “chấn hưng văn hóa” ngôi chợ cũng như tạo ra một không khí sợ hãi và cưỡng bức. Đó chưa nói đến việc cách làm này phần nào còn cho thấy sự bất lực về “giải pháp mềm” của người làm quản lý.

Cách làm có tính căn cơ nhất trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hành vi, ứng xử văn hóa, vẫn là kiên trì với tuyên truyền, vận động kiểu “nói phải thì củ cải cũng nghe” nhằm tạo sự đồng thuận!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn