MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình bỏ hoang suốt 10 năm vì... nguồn vốn. Ảnh: Diệu Anh/LĐO

Trị bệnh... lười tiêu tiền

Anh Đào LDO | 17/07/2020 10:44

“Có biện pháp, chế tài” cho các Chủ tịch; coi như một nhiệm vụ chính trị, và thậm chí phát động phong trào thi đua yêu nước... Chúng ta đang nói về những biện pháp nhằm duy trì áp lực trị căn bệnh... lười tiêu tiền trong đầu tư công.

Trước 45 ủy viên trung ương và đủ mặt lãnh đạo các địa phương hôm 16.7, Thủ tướng công khai bày tỏ sự không hài lòng trước tình trạng “Các nơi đều xin vốn nhưng đến lúc có vốn lại không làm đến nơi đến chốn”.

“Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại đống tiền ngay địa bàn không chịu giải quyết! Anh lại đổ khách quan này, khách quan khác, phải do trách nhiệm chúng ta không? Tôi mời bí thư, chủ tịch, bộ trưởng có mặt hội nghị này để có trách nhiệm với xã hội, đất nước"- lời Thủ tướng. Và ông nói Chính phủ sẽ đưa ra chế tài mạnh, sẽ có biện pháp với những người đứng đầu địa phương trong việc chậm giải ngân. Và ông đề nghị các địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân, chính là việc... tiêu tiền.

Và đúng, thật sự kỳ lạ khi các địa phương bộ ngành đâu cũng xin vốn; xin xong rồi... đến giải ngân cũng trì trệ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tổng vốn đầu tư công được giao là 470.600 tỉ, nhưng hết nửa đầu năm mới chỉ giải ngân được 159.400 tỉ, xấp xỉ 34% kế hoạch. Và có tới 7 bộ ngành tỉ lệ giải ngân còn chưa tới 5%.

Tại sao lại có căn bệnh lười tiêu tiền rất lạ thế này?

Theo Bộ trưởng Bộ KH và ĐT, nguyên nhân, là do “nghẽn” mặt bằng, do năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; do lập kế hoạch không sát thực tế, do giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.

Có nghĩa, cứ xin lấy được rồi để đó.

Thủ tướng sốt ruột là đúng. Giải ngân đầu tư công đang được xem là chìa khóa để kích cầu hiệu quả khi nhà nước đóng vai trò hộ chi tiêu, thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch.

Đúng, ở việc đưa tiền vào nền kinh tế, đẩy lùi suy thoái, tạo việc làm mà không gây áp lực lạm phát.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhìn những nguyên nhân của căn bệnh lười tiêu tiền, không chịu tiêu tiền, không thể tiêu tiền đang cho thấy việc giao tiền (để tiêu) cũng có vấn đề.

Năm 2015, TS Huỳnh Thế Du từng nói về một thứ ngân sách “tôm hùm” khi nói về cơ chế ngân sách của Việt Nam.

Đại ý, hầu như địa phương, đơn vị nào cũng muốn những công trình quy mô, được hỗ trợ từ ngân sách trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng.

Đâu đâu cũng chỉ chọn “tôm hùm”, chỉ vì nó đắt nhất, trong khi không thèm quan tâm đến sự lãng phí nguồn lực, không để ý đến phúc lợi chung, và ngay cả khi không ăn nổi.

Căn bệnh lười tiêu tiền, chê cả tôm hùm nếu không nhìn từ cái gốc từ phân bổ nguồn lực gắn với nhu cầu, có lẽ, sẽ vẫn còn kéo dài thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn