MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lưu mong mỏi người già sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội ở độ tuổi 75. Ảnh: Lan Phương

Trợ cấp hưu trí 75 tuổi sẽ bớt nhọc nhằn cho người già không có lương hưu

Lê Thanh Phong LDO | 13/11/2023 13:34

Đối với những người già không có lương hưu, độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Đây là tin vui đến với nhiều người già không có lương hưu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và phấn đấu từng bước giảm dần đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Đó là một phần nội dung của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người, tức khoảng 35% số người nghỉ hưu.

Rất nhiều người không có lương hưu, người khá giả không sao, nhưng đối với người nghèo, không lương hưu như không có "lưới an sinh". Tuổi già không còn sức khỏe để kiếm ra tiền, đa số sống cậy nhờ vào con cái. Gặp con hiếu thảo hay có cuộc sống đầy đủ còn nhờ được, ngược lại rất tủi thân.

Tuổi già lắm bệnh tật, ốm đau thất thường, tiêu xài nhịn được, tiền thuốc không thể nhịn.

Cho nên, nếu áp dụng chính sách mới, sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Chúng ta hay nói đến "không bỏ ai lại phía sau", ý là không để người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội "bơ vơ" không nơi nương tựa, không có sự giúp đỡ của cộng đồng, của chính quyền. Người có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều, cần được chia sẻ bằng nhiều hình thức, từ các cá nhân, tổ chức, đến các chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Nhưng, trước mắt là lo cho người già, 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí, để phải chờ đến 80 tuổi e nhiều người không thể chờ nổi. Như bà Lê Thị Lưu (76 tuổi, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ với Lao Động: “Nếu Nhà nước có thể triển khai chính sách dành cho những người già không có lương hưu như tôi thì mừng quá! Tuổi này mà phải chờ đến 80 tuổi thì quá lâu, chúng tôi sợ không đợi được”.

Người già được chăm sóc thêm, dù tiền trợ cấp hưu trí chưa nhiều, nhưng cũng đỡ một phần nhọc nhằn của cuộc sống.

Tiến tới, khi kinh tế phát triển, đất nước càng ngày càng "đàng hoàng hơn", thì sẽ tiếp tục hạ xuống 70 tuổi, 65 tuổi, ngang với tuổi nghỉ hưu. Đó là cái đích hướng tới và phải đạt được, để mỗi người dân thực sự được sống trong đất nước hòa bình, hạnh phúc, văn minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn