MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức hỗ trợ xã hội 360.000 đồng/ tháng như hiện nay là quá thấp. Ảnh: Hương Nha

Trợ giúp xã hội, không thể mãi “rất thấp”, quá lạc hậu so với chuẩn nghèo

Hoàng Văn Minh LDO | 03/03/2024 17:35

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận mức trợ giúp xã hội với 360.000 đồng/tháng như hiện nay là rất thấp.

Tại hội nghị giao ban công tác sau Tết Nguyên đán mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lưu ý và nhắc đến việc khẩn trương sửa Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng mức trợ giúp xã hội rất thấp, chỉ 360.000 đồng/tháng thì sống ra sao?

Đúng là một người yếu thế, cần trợ giúp xã hội không biết phải sống ra sao với 360.000 đồng/tháng thật. Bởi mức này chỉ đủ mua khoảng 10 tô phở ở Hà Nội (tính giá thấp nhất là 35 ngàn đồng/tô).

Và mới chỉ bằng 24% theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 (1.500.000 đồng/tháng) và bằng 20% mức lương cơ sở tăng từ ngày 1.7.2023 (1.800.000 đồng/tháng).

Mức hỗ trợ này chỉ mới hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu tối thiểu của những đối tượng như cơm ăn, áo mặc, điện nước sinh hoạt...

Không biết sống sao bởi ở cùng một mặt bằng, nhưng khi so sánh tương quan với những chính sách tiền lương, chính sách giảm nghèo thì mức chuẩn trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội không chỉ đang rất thấp mà còn quá lạc hậu.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và khoảng 400.000 đối tượng thuộc nhóm chăm sóc người tâm thần nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự phục vụ.

Như vậy, tính chung có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với mức chi khoảng 28.000 tỉ đồng/năm, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2023 giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ để nâng mức chuẩn trợ cấp đối với các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Đã có 2 phương án được đưa ra để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và Bộ Tài chính là 500.000 đồng/tháng (ngân sách dự kiến chi 37.000 tỉ đồng/năm) và 750.000 đồng/tháng (54.000 tỉ đồng/năm).

Dĩ nhiên cả hai phương án này đều chưa phải là lý tưởng cho các đối tượng hưởng trợ cấp và trợ giúp vì vẫn còn một khoảng cách rất xa so với chuẩn nghèo cũng như lương cơ bản, giá cả sinh hoạt...

Tuy vậy thì đây đã là một sự cố gắng vì nguồn lực để bảo đảm việc tăng trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội phải phù hợp với khả năng ngân sách cũng như khả năng tăng ngân sách. Và cũng là câu trả lời chấp nhận được cho câu hỏi “sống ra sao” của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Dù rằng, nói thật là vẫn chưa tự tin lắm để nói là “sẽ không ai bị bỏ lại phía sau” như mục tiêu rất nhân văn mà tất cả các chương trình trợ cấp, trợ giúp chúng ta hướng đến cho nhóm những người yếu thế trong xã hội!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn