MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc kéo dài trên đường đê sông Đuống giao với QL38 Ảnh: Bích Lộc

Trốn trạm thu phí là hành vi xấu cần lên án

Hoàng Văn Minh LDO | 02/09/2023 14:54

Chỗ nào có trạm thu phí chỗ đó có phương tiện tham gia giao thông tìm cách trốn trạm để tiết kiệm có khi chỉ vài chục nghìn đồng. Đó là một thực trạng vô cùng xấu đã và đang diễn ra hàng ngày ở nước ta.

Chủ đầu tư của Trạm thu phí Cầu Hồ trên QL38 ở thành phố Bắc Ninh vừa công bố những con số khó tin: Trung bình mỗi ngày có hơn 8.000 phương tiện đi qua địa phận có Trạm thu phí Cầu Hồ. Tuy nhiên trạm này chỉ thu phí được khoảng hơn 2.000 phương tiện. Số còn lại đã trốn trạm bằng cách đưa phương tiện vào các tuyến đường dân sinh để đi qua nhằm tiết kiệm khoảng 40 -170 nghìn đồng/lần.

Hệ luỵ của vấn đề này không chỉ là chủ đầu tư trạm thu phí “vỡ phương án tài chính” mà người dân sống quanh khu vực trạm đã và đang chịu đựng tiếng ồn, sự ô nhiễm khói bụi, đường sá hư hại nghiêm trọng như Lao Động đã nhiều lần phản ánh.

Cùng với đó là nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập khi mỗi ngày có đến hơn 6.000 phương tiện, phần lớn là ôtô, xe tải… lúc nào cũng kéo dài cả kilomet ”giành” đường dân sinh của người dân để lưu thông.

Đáng nói là tình trạng vi phạm giao thông như thế này kéo dài lâu nay, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý hiệu quả ngoài việc lâu lâu có đội CSGT tuần tra chốt chặn ở các tuyến đường dân sinh. Và các chủ phương tiện, mỗi khi thấy có CSGT thì quay đầu xe hoặc thông báo cho nhau kiểu “thôi chịu khó mất phí qua trạm còn hơn ăn phạt”.

Chuyện của Trạm thu phí Cầu Hồ cũng là chuyện chung của phần lớn các trạm thu phí trên các tuyến QL của toàn quốc. Đó là hành vi không thể chấp nhận được, dẫu rằng, trên các tuyến QL, đã và đang có nhiều trạm thu phí được đầu tư và dựng lên chưa hợp lý, gây ảnh hưởng đến túi tiền cũng như bức xúc đối với chủ phương tiện giao thông.

Và chuyện trốn phí như thế này nó không chỉ diễn ra mỗi ở trạm thu phí mà bất cứ nơi đâu, lĩnh vực nào trong cuộc sống.

Nếu như ở các bãi biển, đó sẽ là hành vi trốn gửi xe, trốn trả tiền tắm nước ngọt. Ở trong các khu du lịch là dùng bánh kẹo, thức ăn trong phòng rồi trả lại bằng đồ mua ở ngoài vào với giá rẻ hơn.

Thậm chí có những nơi, mặc dù người ta phục vụ không thiếu thứ gì nhưng du khách vẫn lén giấu thức ăn, đồ uống trong túi xách, trong cốp xe ô tô rồi tìm cách mang vào phòng vì không muốn trả phí dịch vụ hoặc chê giá đắt.

Ngay cả ở những không gian văn hoá như bảo tàng, các di tích văn hoá lịch sử, có cơ hội, nhiều du khách vẫn sẵn sàng phơi bày sự thiếu văn hoá khi trốn vé dù có nơi chỉ thu vài chục nghìn đồng cho có lệ.

Cuộc sống còn khó khăn thì cũng đúng nhưng chưa phải là tất cả. Căn nguyên, vẫn là khởi thuỷ từ thói quen rất xấu của không ít người là thiếu ý thức về sự tự giác.

Trốn phí trạm BOT cũng như nhiều loại phí khác phải trả trong cuộc sống là hành vi vô cùng xấu, cần phải lên án để nó không nên tồn tại trong một xã hội văn minh dù với bất cứ lý do gì!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn