MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh hồ Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận

Trồng rừng thay thế khi làm hồ Ka Pét, phải đảm bảo cây sống thành rừng

Lê Thanh Phong LDO | 06/09/2023 13:00

Rất nhiều ý kiến tranh luận trước thông tin sẽ phá hàng trăm hecta rừng để làm hồ Ka Pét ở Hàm Thuận Nam - Bình Thuận.

Quan tâm là phải, dự án sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực lên hệ sinh thái cả một khu vực, không đơn giản chỉ là 600ha rừng, nơi bị chặt phá để làm hồ chứa nước.

Tuy nhiên, chắc chắn các cơ quan quản lý từ địa phương đến Trung ương đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo, báo cáo khoa học, đánh giá tác động môi trường. Để đi đến quyết định thực hiện dự án, mọi sự lợi hại đã được đưa lên bàn cân.

Theo Đánh giá tác động môi trường lập vào tháng 8.2022, dự án hồ chứa nước Ka Pét đảm nhiệm ba nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, cung cấp nước cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 và chuyển nước từ hồ La Ngà 3 về sông Cà Ty, sông Móng. Hồ Ka Pét có thể khai thác, nâng mực nước ngầm khu vực quanh hồ, tạo ẩm cho đất, cây rừng phát triển nhanh hơn.

Với hơn 700ha mặt thoáng, hồ sẽ được tận dụng nuôi trồng thủy sản, hằng năm có thể thu được hàng chục tấn cá nước ngọt. Cắt một phần lũ, giảm ngập lụt cho hạ du. Với dung tích hơn 50 triệu m3 nước, hồ Ka Pét sẽ cải thiện một vùng tiểu khí hậu, điều hòa độ ẩm và nhiệt độ những tháng mùa khô. Hồ chứa sẽ là kho chứa nước dự trữ để phục vụ cứu hỏa khi cháy rừng xảy ra.

Nhưng chỉ nói điều hay mà không thấy điều "nguy" là không xong. Thấy để có biện pháp phòng, đừng đến khi họa tới rồi mới chống thì đã muộn.

Đó là, khi phá 600ha rừng để làm hồ chứa nước, thì dân săn trộm, "lâm tặc" có điều kiện để xâm nhập sâu hơn vào các khu vực rừng đặc dụng. Sự xâm phạm, lấn chiếm đất rừng, săn bắt thú, khai thác gỗ lậu sẽ xảy ra. Diện tích rừng bị mất dần do con người phá hoại ngoài sự kiểm soát và tính toán của dự án sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Vậy nên, khi thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, phải có một "dự án" bảo vệ rừng đi kèm theo. Phải đảm bảo không để mất một mảnh rừng nào ngoài diện tích rừng phải "hy sinh" cho dự án.

Nhưng như thế chưa đủ.

Chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù rừng. Vị trí trồng bù lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu. Ưu tiên trồng các cây bản địa để tránh xáo trộn hệ sinh thái. Tổng diện tích rừng trồng phải gấp 3 lần diện tích rừng của dự án. Phạm vi trồng thay thế có thể mở rộng vùng đất hoang hóa, đất sản xuất lâm nghiệp để bù lại đạt hiệu quả cao.

Quyết liệt như vậy là rất tốt, nhưng con số trên giấy khác xa với thực tế. Trồng rừng nhưng liệu có thành rừng không, phải có câu trả lời dứt khoát đi cùng với trách nhiệm cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn