MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Đống Đa. Ảnh: TTXVN

Trót nhúng chàm rồi thì phải biết rửa tay

Lê Thanh Phong LDO | 19/11/2022 17:08
Ngày 19.11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói: "Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người chúng ta, cho nên phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi".

Đây cũng là lời động viên, kêu gọi, là thông điệp gửi đến những ai đã lỡ nhúng chàm. Ít ra thì còn kịp cứu mình khỏi nặng tội. "Rửa tay" sớm một ngày thì có thể sẽ bớt đi một ngày tù. Cổ nhân nói "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".

Vừa qua, đã có nhiều trường hợp nộp lại đầy đủ tiền "nhúng chàm", như cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái, mỗi người nộp 14,5 tỉ đồng tiền nhận hối lộ, gọi là khắc phục hậu quả.

Trong vụ án liên quan đến Việt Á, có nhiều người tự giác nộp lại "quà".

Tất nhiên, những người đã khắc phục hậu quả thì sẽ được hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình. Nhưng nếu khắc phục hậu quả khi đã bị phát hiện, điều tra, khởi tố thì không được đánh giá cao, "rửa tay" lúc đó đã quá chậm. Là bị rửa, không phải tự rửa.

Ngay bây giờ, những ai đã "nhúng chàm", dù chưa bị cơ quan điều tra "sờ gáy" nhưng tự giác khai báo thành khẩn hành vi vi phạm, nộp lại đầy đủ tài sản tham nhũng thì đó mới là thực tâm "rửa tay".

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực họp, đã thống kê bao nhiêu vụ đã làm và sắp tới sẽ làm vụ nào, kể tên từng vụ. Vậy, những ai có liên quan và ở mức độ nào thì tự mình biết, hãy "ngoan ngoãn" đến cơ quan phòng chống tham nhũng xin được "rửa tay".

"Rửa tay" để được nhận sự đối xử nhân văn, nhân đạo, nhân tình như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.

Có hành vi phạm tội nhưng biết "quay đầu là bờ", khai báo đầy đủ để giúp cơ quan pháp luật phá án, đó là "rửa tay".

Nộp đầy đủ tài sản tham nhũng không thiếu một đồng, đó là "rửa tay".

Người vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự, nhưng tự thấy xấu hổ, xin từ chức trước khi bị cách chức, đó cũng là "rửa tay".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn