MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ có duy nhất 1 máy xạ trị đã sử dụng 14 năm. Ảnh: Phong Linh.

Trung tâm y tế chuyên sâu và sự quá tải của máy xạ trị lạc hậu nhất nước

Hoàng Văn Minh LDO | 10/07/2024 18:00

Một nghịch lý khi Cần Thơ - đang được quy hoạch thành Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực ĐBSCL - chỉ có duy nhất một máy xạ trị lạc hậu đến mức không còn nơi nào dùng.

Hai bản tin liên tục trong ngày 9.7 trên Báo Lao Động kể hai câu chuyện đầy nghịch lý, rất khó tin có liên quan đến nhau.

Đầu tiên là chuyện hơn 300 bệnh nhân ung thư ở khu vực ĐBSCL đã và đang xếp hàng trông chờ vào một máy xạ trị duy nhất ở Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ với công suất xạ trị cho khoảng 75 bệnh nhân/ ngày đêm.

Điều này dẫn đến tình trạng có bệnh nhân nhà ở Vĩnh Long, qua Cần Thơ chờ xạ trị đến… 4 tháng vẫn chưa đến lượt.

Chuyện thứ 2 là máy xạ trị này hiệu Cobalt 60, được trang bị, đưa vào sử dụng từ năm 2010, tức cách đây đã 14 năm.

Theo khẳng định của bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị tia xạ Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ: Đây là máy xạ trị lạc hậu đến mức hiện các bệnh viện trong nước cũng như thế giới không nơi nào còn dùng nữa!

Hiện các bệnh viện trong nước cũng như thế giới đều dùng hệ thống máy xạ trị gia tốc hiện đại, mỗi lượt xạ trị chỉ kéo dài 5 - 7 phút. Trong khi máy ở Cần Thơ phải mất từ 15 - 20 phút cho mỗi ca xạ trị, kéo dài gấp 3 lần.

Hai câu chuyện vừa kể, nếu xảy ra ở một địa phương miền núi xa xôi, khó khăn nào đó thì có thể hiểu được, nhưng lại diễn ra ở Cần Thơ - thành phố trực thuộc Trung ương, “trái tim” của vùng ĐBSCL, dù với lý do như thế nào thì cũng không thể chấp nhận được và quá đau lòng.

Bởi điều mà hơn 300 bệnh nhân ung thư tại ĐBSCL đang phải chịu đựng không chỉ là nỗi đau bệnh tật mà còn là sự bất công trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Đã thế, họ gần như không có tiếng nói, không có quyền lựa chọn và không có sự bảo vệ mà họ đáng được hưởng.

Trách nhiệm chính của việc này, trước hết là cơ quan quản lý y tế các cấp, sau đó là chính quyền địa phương trong quản lý và tầm nhìn, vì sự thiếu hụt và lạc hậu, thậm chí xuống cấp của nhiều thiết bị y tế như máy xạ trị Cobalt 60 ở Cần Thơ không phải là vấn đề mới, và càng không phải là vấn đề không thể dự đoán trước.

Ông Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, nói trên Lao Động là từ cách đây 6 tháng, bệnh viện đã trình các cơ quan chức năng của thành phố khẩn thiết xin được đầu tư mới hệ thống máy xạ trị gia tốc thay thế cho máy xạ trị Cobalt lạc hậu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong khi máy Cobalt 60 đang chạy thì có thể ngưng hoạt động bất cứ lúc nào.

Cần những hành động cụ thể và khẩn cấp, quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng, trước hết để giải quyết những nghịch lý liên quan đến máy xạ trị Cobalt 60 và nhu cầu của hơn 300 bệnh nhân ung thư đang mỏi mòn chờ đến lượt.

Tiếp đến là xứng đáng với cụm từ “Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là một trong những Trung tâm Y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL” như chủ trương xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59 ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn