MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có cấp THCS trong trường chuyên. Ảnh: Linh Trần

Trường chuyên, lớp chuyên, bỏ hay giữ thì cũng phải có luận cứ khoa học

Hoàng Văn Minh LDO | 08/03/2024 16:53

"Sững sờ", “sốc” và “sốc nặng”... là những cảm giác của phụ huynh được phản ánh trên các mặt báo mấy hôm nay trước thông tin hai trường THPT chuyên lớn của cả nước là Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) và Trần Đại Nghĩa (TPHCM) có thể phải dừng tuyển sinh hệ THCS năm học tới để thực hiện đúng quy định mới.

Trước đó, ngày 31.1, Sở GDĐT Hà Nội có công văn gửi Bộ GDĐT báo cáo về việc tuyển sinh lớp không chuyên trong trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024 - 2025.

Đến ngày 5.3, Bộ GDĐT đã có văn bản trả lời. Theo đó, căn cứ khoản 1, Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14.6.2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có trường chuyên ở cấp THCS. Đồng thời, Bộ GDĐT đề nghị Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo đúng quy định.

Điều này có nghĩa, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và một trường đang có mô hình tương tự là Trần Đại Nghĩa (TPHCM) có thể sẽ không tuyển sinh lớp 6 năm học 2024 - 2025.

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội và TPHCM đang từ “sốc” đến “rất sốc” trước thông tin này là bởi để có được một suất cho con vào học lớp 6 ở Hà Nội - Amsterdam và Trần Đại Nghĩa, họ phải lên kế hoạch, rồi phải chi hàng chục triệu đồng cho con đi học thêm, luyện thi ngay từ khi còn học lớp 3, lớp 4, thậm chí là từ lớp 1. Giờ mà “con tôi” không được thi vào 2 trường đó thì coi như mọi thứ đổ sông đổ bể!

Tuy nhiên, việc dừng tuyển sinh này lại được số đông ủng hộ. Lý do đến từ những cái “rùng mình” thất kinh khi nhớ lại những con số đã được công bố trước đó. Cũng như những “cái giá” rất đắt mà những đứa trẻ phải trả để đạt được mục tiêu của phụ huynh vạch ra.

Ví dụ năm 2023, theo hướng dẫn tuyển sinh vào Hà Nội - Amsterdam, học sinh phải đạt 167 điểm cho 17 bài kiểm tra cuối năm học. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ được phép tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10 mới được đăng ký dự thi.

Hay trước đó năm 2022, theo danh sách nhà trường công bố, trong hơn 1.200 thí sinh đủ điều kiện dự thi đều có bảng điểm toàn điểm 10, rất hiếm hoi mới thấy điểm 9 xuất hiện trong các phiếu đăng ký dự thi…

Nhân dịp này, lại có nhiều ý kiến đề xuất, gợi ý kiểu “hay là”, hoặc Bộ GDĐT nên nghiên cứu bỏ luôn hệ thống trường chuyên trên cả nước vì nhiều lý do. Trong đó có việc hệ thống trường chuyên cho thấy không phải là nơi “hội tụ nhân tài” cho đất nước như kỳ vọng khi chỉ toàn tạo ra “gà nòi” để lấy thành tích. Và mô hình này cũng đang đi ngược với xu thế của thế giới.

Thật ra thì nên bỏ hệ thống trường chuyên là vấn đề đã được đặt ra từ hơn chục năm nay rồi. Tuy nhiên, như một nhận định trên báo rất đáng chú ý của TS Nguyễn Thị Hường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia hồi năm 2022 là các ý kiến đề xuất bỏ hay giữ hệ thống trường chuyên lâu nay đều cảm tính, không có cơ sở và luận cứ khoa học gì cả.

Duy trì hay từ bỏ hệ thống trường chuyên hay lớp chuyên là một quyết định chính sách lớn không chỉ của riêng Bộ GDĐT, đòi hỏi phải có sự cân nhắc sau khi phân tích, đánh giá thực trạng dựa trên những căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học. Thậm chí là cả lộ trình để tránh xáo trộn, dẫn đến "sốc" và "rất sốc" của người trong cuộc!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn