MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà Hiệu bộ Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

Trường Đại học Hà Tĩnh xếp loại 11 người không hoàn thành nhiệm vụ là đúng

Lê Thanh Phong LDO | 10/07/2024 14:00

Theo Quyết định đánh giá, xếp loại số 357 ngày 27.6 của Trường Đại học Hà Tĩnh, có 11 người bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong 9 người bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ do không đi đào tạo nâng cao trình độ, có 3 người thuộc diện được đào tạo nâng cao trình độ vào năm 2023 nhưng không có minh chứng có đi học, 6 người thuộc diện đi học đào tạo nâng cao trình độ vào năm 2023 nhưng không cam kết sẽ đi học.

Một số giảng viên bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ cho rằng, họ đã cận kề tuổi hưu nếu ép phải đi đào tạo tiến sĩ mất thời gian 3 đến 4 năm, với kinh phí bình quân mất khoảng 500 triệu - 700 triệu đồng, với đồng lương không đủ sống, học xong về chuẩn bị hưu thì liệu có hợp lý không?

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với Quyết định số 556 về việc “Ban hành quy định về đào tạo bồi dưỡng cán bộ viên chức” của Trường Đại học Hà Tĩnh, sẽ thấy rõ việc xếp loại giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ là có căn cứ.

Quyết định nêu, đối với giảng viên và cán bộ kiêm giảng được tuyển dụng từ năm 2008 về sau: Nếu khi tuyển dụng có bằng đại học, kỹ sư thì sau 5 năm phải có bằng thạc sĩ, sau 15 năm phải có bằng tiến sĩ; nếu khi tuyển dụng có bằng thạc sĩ thì sau 10 năm phải có bằng tiến sĩ.

Nhà trường bắt buộc giảng viên phải học, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu duy trì các mã ngành đào tạo theo quy định của Thông tư 08 năm 2011 của Bộ GDĐT. Nhà trường vì không đáp ứng, nên năm 2014, đã phải dừng đào tạo 14 mã ngành do chưa đủ cán bộ giảng viên đứng mã ngành.

Quy định của Bộ GDĐT, trường đại học nào cũng phải chấp hành. Trường Đại học Hà Tĩnh ban hành Quyết định về đào tạo cán bộ, viên chức là phù hợp.

Về phía giảng viên, việc đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của nhà trường và của môi trường đại học, đó là trách nhiệm và là quyền lợi. Không học để nâng cao trình độ thì không theo kịp yêu cầu về chuyên môn, lấy gì để dạy sinh viên. Với khoảng thời gian quy định, tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư, sau 5 năm phải có bằng thạc sĩ, sau 15 năm phải có bằng tiến sĩ là quá đủ để hoàn thành. Không làm được đương nhiên là không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong môi trường đại học, cạnh tranh để thu hút sinh viên rất gay gắt. Trường nào không có giảng viên giỏi, bằng cấp cao, không mở được ngành và không tuyển sinh được. Vậy thì, giảng viên phải đi học để giỏi hơn, có bằng cấp cao hơn là quá đúng.

Nhìn rộng ra các doanh nghiệp, tổ chức khác, việc tuyển dụng và sử dụng nhân sự cũng có nhiều đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn. Ai không tự tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu công việc thì đương nhiên là không hoàn thành nhiệm vụ.

Chưa kể phải bị đào thải, sa thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn