MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà chủ Vạn Thịnh Phát - bị can Trương Mỹ Lan. Ảnh: Bộ Công an

Trương Mỹ Lan lấy tiền lừa đảo làm từ thiện không có ý nghĩa về lòng thiện

Lê Thanh Phong LDO | 18/12/2023 09:19

Trương Mỹ Lan - bà chủ của Vạn Thịnh Phát từng được ghi nhận là người có đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội.

Trên thực tế, bằng số tiền của từng đợt tham gia từ thiện xã hội của tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay cá nhân bà Trương Mỹ Lan rõ ràng là vậy, nhưng bản chất của việc làm đó là gì?

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không làm ra của cải vật chất cho xã hội, mà qua những chứng cứ ban đầu, cho thấy đồng tiền có được chỉ từ các mánh lới lừa đảo.

Bà Trương Mỹ Lan bị VKSND Tối cao truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị truy tố với cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB và đưa hối lộ 5,2 triệu USD.

Vậy thì, đồng tiền mà Trương Mỹ Lan làm từ thiện từ đâu, nếu không phải là chiếm đoạt của các nạn nhân đã tin tưởng giao tiền cho bà. Lấy đồng tiền từ phạm tội mà có để "hối lộ thánh thần" hay làm từ thiện chỉ là cách che mắt thiên hạ hoặc tô vẽ hình ảnh đẹp đẽ cho mình để dễ dàng phạm tội hơn mà thôi.

Làm từ thiện bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt mới thực tâm, thực lòng.

Một doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo công ăn việc làm cho người lao động là có ý nghĩa về sự thiện tâm.

Một doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ mang đến lợi ích chung cho xã hội, đóng góp cho đất nước, đó là lòng thiện.

Một doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, đó chính là gián tiếp làm từ thiện cho xã hội.

Ngược lại, bất cứ cá nhân, tổ chức nào dùng đồng tiền bẩn để đi làm từ thiện, thì điều đó không có ý nghĩa, bởi vì bản chất của việc làm ra đồng tiền đó đã không lương thiện.

Cho nên, có thể ghi nhận các hoạt động từ thiện của cá nhân bà Trương Mỹ Lan trước đây, nhưng lấy đó làm căn cứ để giảm nhẹ hình phạt là không thuyết phục.

Tương tự, trong vụ án này, nhiều bị can đã nộp lại tiền nhận hối lộ, tham nhũng. Đó là Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng. Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước nộp 390.000 USD. Nguyễn Thị Phụng - cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng...

Phải xem việc nộp lại tiền là bắt buộc, là đương nhiên phải làm, không phải là thể hiện lòng tốt. Không thể lấy chính đồng tiền tham nhũng, hối lộ làm công cụ để khắc phục hình phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn