MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhãn ở tỉnh Đồng Tháp bị đứt kênh tiêu thụ do dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Từ 4.800 tấn nhãn ở Đồng Tháp nghĩ đến kênh tiêu thụ lưu động

Lê Thanh Phong LDO | 20/07/2021 07:15

4.800 tấn nhãn ở Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đến kỳ thu hoạch nhưng khó bán, trái bắt đầu bị hỏng khiến nhiều chủ vườn lo sẽ thua lỗ nặng. Mỗi kg nhãn bán 5.000 - 6.000 đồng không ai mua thì chỉ có cho không hoặc vứt bỏ. Nguyên nhân là vì dịch COVID-19 làm đứt các kênh tiêu thụ.

Rất vô lý, trong lúc TPHCM đang thiếu hụt hàng hóa, thực phẩm, rau củ quả, trái cây, thì nhiều địa phương khác lại ôm sản phẩm mà khóc ròng. Tại sao không tổ chức xe, tàu thủy chở về TPHCM để tiêu thụ?

Không chỉ riêng nhãn, mà rất nhiều loại nông sản, trái cây khác cũng đang trong tình trạng bị ách tắc ở một số địa phương, nhưng tại siêu thị ở TPHCM thì “bói” cũng không ra. Ở đây đương nhiên là lãng phí, là người sản xuất cây trái nông sản thua lỗ, nhưng đau ở chỗ là người cần lại không có hàng để mua.

Vô lý nữa, từ điểm sản xuất đến điểm tiêu thụ chỉ vài trăm cây số. Vấn đề không phải là xa cách về không gian, cách trở về đò giang, mà vì không có sự tổ chức, kết nối để thông thương hàng hóa.

Tại cuộc họp trực tuyến bàn về cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam sáng 18.7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cam kết: “Trong mọi tình huống hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men”. Hai ngành đó là công thương và nông nghiệp.

Nhưng ngành giao thông vận tải cũng không đứng ngoài cuộc, “luồng xanh” mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra phải được thiết lập ngay để nối các nơi sản xuất hàng hóa thực phẩm đến với nơi tiêu thụ, cụ thể ở đây là TPHCM.

Ngành Công Thương địa phương kết nối với TPHCM để có điểm đến, điểm bán phù hợp với việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của thành phố. Có nghĩa là các Sở Công Thương phải hỗ trợ nhau cùng tìm ra giải pháp tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thực phẩm cho người dân.

Đã đến lúc TPHCM không bó hẹp việc cung cấp hàng hóa trong hệ thống siêu thị và các điểm bán lẻ, mà phải mở rộng ra các chợ truyền thống và kênh bán hàng lưu động. Hàng hóa, thực phẩm của các tỉnh đưa về TPHCM, tùy theo loại sẽ được phân phối đúng các kênh cung cấp, để người dân dễ tiếp cận nhất, không bị dồn ứ trong siêu thị.

Tổ chức bán hàng ở các chợ ngoài trời, bán hàng lưu động nhưng vẫn đảm bảo các quy định phòng dịch sẽ giải tỏa áp lực ở các siêu thị, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Để cho dân các địa phương không bán được nông sản, để cho người dân vùng giãn cách thiếu thực phẩm là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn