MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ Attapeu nghĩ về Long Thành

Lê Thanh Phong LDO | 02/06/2015 07:10
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - đã đáp máy bay riêng xuống sân bay quốc tế Attapeu (Lào) để dự khánh thành sân bay do chính HAGL xây dựng. Tuy quy mô của sân bay Attapeu nhỏ, nhưng từ công trình này, cho thấy các doanh nghiệp VN hoàn toàn có khả năng xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ hàng không.

 

Từ sân bay Attapeu, có thể nhìn lại việc xã hội hóa xây dựng các cảng hàng không, sân bay tại VN. Tại sao chúng ta nói xã hội hóa quá nhiều nhưng không làm, trong khi doanh nghiệp VN đủ sức để “mang chuông đi đánh xứ người”. Không chỉ riêng HAGL, nhiều doanh nghiệp trong nước đủ sức xây sân bay hoặc tham gia một phần trong tổ hợp của một cảng hàng không. 

 

Về dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều ý kiến lo ngại ảnh hưởng đến nợ công, vậy thì một trong những cách hiệu quả nhất là cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào tổ hợp này. Cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng là cách để giảm áp lực đầu tư công và dẹp bỏ độc quyền xây dựng cũng như quản lý các cảng sân bay như từ trước đến nay.

Bộ GTVT cho biết có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm đến dự án sân bay Long Thành như ADP của Pháp, Samsung, Cty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc và một số tập đoàn của Nhật Bản. Trong số này, có ADP đề nghị đầu tư trực tiếp 500 triệu USD và huy động 1 tỉ USD từ ngân hàng cho dự án này. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng đừng quên rằng, còn có nhiều doanh nghiệp VN có đủ nguồn lực và năng lực tham gia.

Nhiều quốc gia trên thế giới cho tư nhân xây dựng sân bay và khai thác dịch vụ, họ đã làm và làm thành công, tại sao VN không làm mà vẫn độc quyền nhà nước. Chỉ có điều, muốn cho tư nhân tham gia thì phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, hỗ trợ hiệu quả. Doanh nghiệp phải có niềm tin vào các chính sách thì mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư. Tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tham gia không chỉ giảm áp lực đầu tư công, xóa bỏ độc quyền trong xây dựng cảng hàng không, mà mở ra một giai đoạn mới về xóa bỏ độc quyền khai thác các dịch vụ hàng không. Bàn tay tư nhân sẽ thay đổi diện mạo của hàng không VN là điều chắc chắn.

Một minh chứng rành rành về vai trò của tư nhân, chỉ cần có chính sách xã hội hóa, Vietjet đã hợp đồng mua và thuê 100 chiếc Airbus trị giá 9,1 tỉ USD. Nhà nước không bỏ đồng vốn đầu tư nào nhưng VN có thêm một đội bay hùng hậu phục vụ giao thông đường không.

Xã hội hóa trên trời thì cũng có thể xã hội hóa dưới mặt đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn