MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ chủ trương không tăng học phí, cần tính đến lộ trình miễn học phí. Ảnh Hải Nguyễn

Từ chủ trương không tăng học phí, cần hướng đến lộ trình miễn phí

Hoàng Lâm LDO | 04/08/2023 10:17

Không tăng học phí trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay là chủ trương nhân văn và hợp lý. Nhưng về lâu dài, cần tính đến lộ trình miễn học phí từ mẫu giáo tới Trung học cơ sở, thậm chí miễn phí cả Trung học phổ thông ở các cơ sở giáo dục công lập.

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 năm 2021 về cơ chế thu, quản lý học phí công lập, trong đó có nội dung “không tăng học phí năm học 2023-2024".

Trên thực tế, việc áp dụng Nghị định 81 có rất nhiều bất cập, nhiều nội dung chưa phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Cư trú, Luật Căn cước…

Quá trình thực hiện, các địa phương lúng túng trong việc xác định cơ sở để ban hành mức học phí và sự phức tạp khi làm thủ tục miễn giảm học phí với từng đối tượng. Bởi lẽ nhiều từ ngữ trong Nghị định 81 còn dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Từ đầu tháng 5.2023, Chính phủ đã ra Nghị quyết 74NQ/CP và Thông báo 176 của Văn phòng Chính phủ đều liên quan đến việc khẩn trương, sửa đổi bổ sung nghị định 81 cho phù hợp với thực tế.

Thế nhưng cho đến hết tháng 7, mặc dù đã được yêu cầu “khẩn trương” nhưng đơn vị chủ trì là Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn chưa ra được Nghị định sửa đổi.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vẫn tiếp tục áp dụng Nghị định 81 để ban hành khung học phí cho năm học tới. Trong đó có những địa phương tăng khá mạnh về học phí so với năm học trước như Bắc Giang, Long An, Hà Nội… Nhưng cũng có địa phương đã và đang dự kiến tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí như Đà Nẵng, Hải Phòng…

Câu hỏi ở đây là việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập có phải là giải pháp giảm gánh nặng về chi phí giáo dục đối với Ngân sách nhà nước hay không?

Năm ngoái, Đà Nẵng chi 408,2 tỉ đồng để thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ mẫu giáo tới Trung học cơ sở, chỉ có trẻ mầm non và học sinh trường có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện được miễn học phí. Tổng thu ngân sách năm 2022 của Đà Nẵng là khoảng 24.131 tỉ đồng. Nghĩa là số tiền hỗ trợ học phí chỉ chiếm 1,6%. Hay Hải Phòng chi khoảng 400 tỉ miễn học phí cho các học sinh, trong khi thu ngân sách cả năm là 106.000 tỉ đồng, mức chi hỗ trợ giáo dục chỉ chiếm 0,3% tổng thu ngân sách.

Các con số trên cho thấy việc miễn học phí không ảnh hưởng lớn tới ngân sách địa phương. Hay nói cách khác, tiền thu từ học phí chiếm tỉ trọng rất nhỏ và không thể coi đây là một nguồn thu chính cho địa phương. Trong khi đối tượng thụ hưởng chính sách miễn học phí là rất lớn nếu áp dụng.

Từ kinh nghiệm và thực tế các địa phương thực hiện chính sách miễn học phí, đã đến lúc hướng đến lộ trình miễn học phí đối với giáo dục công lập. Đó là cách giảm áp lực cho người dân và là cách đầu tư cho giáo dục- cũng là đầu tư cho tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn