MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Úc là 1 trong 5 thị trường “visa đầu tư” của người Việt.

Từ chuyện "chảy máu" ngoại tệ- cần cải cách hơn nữa!

Anh Đào LDO | 05/07/2018 11:47

Trong 5 năm (2012-2017), có tổng cộng 40.512 đương đơn nộp hồ sơ xin visa tạm trú theo diện đầu tư/doanh nhân vào Úc. 52% trong số đó đã được cấp visa.

Đây là con số mà Bộ Nội vụ Úc đưa ra ngày hôm qua. Nhưng Úc chỉ là 1 trong 5 thị trường “visa đầu tư” của người Việt. Năm 2017, số lượng visa EB5 vào Mỹ được cấp đối với nhà đầu tư Việt Nam lên tới 471, nhiều thứ 2 trên thế giới.

Nếu tính mức tối thiểu 500.000 USD thì rõ ràng, lượng ngoại tệ cho việc di/nhập cư của người Việt lên tới hàng chục tỉ USD.

Di cư, tìm kiếm môi trường sống mới, công việc mới hay thuần túy chỉ là một hoạt động đầu tư..., điều đó không hoàn toàn có các phân tích chính xác, và càng khó để có một biện pháp quản lý theo hướng kiềm chế. Nhưng có thể nhìn thấy rõ khuynh hướng khi các con số tăng qua các năm.

Ví dụ như trường hợp vào Mỹ, ngoài 471 trường hợp được cấp visa EB5 năm ngoái, còn có 649 hồ sơ đang chờ. Và những nhận định cho thấy số lượng visa EB5 dành cho nhà đầu tư Việt Nam sẽ vượt qua mức cho phép (700 visa) vào năm 2018. Và tăng, ngay cả khi mức đầu tư tối thiểu 500.000 USD sẽ tăng lên 925.000 USD.

Câu hỏi tại sao, thật ra đã được đặt ra từ 2 năm trước khi xuất hiện hiện tượng DN “di cư” sang Singapore mở công ty. Nó chỉ đơn giản thế này:

Các DN tại Singapore nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ như luật bảo vệ tài sản trí tuệ, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, ưu đãi thuế, chế độ miễn thuế trong 3 năm cho các DN đạt điều kiện, trợ cấp vốn… Với các startup đủ điều kiện, sẽ được miễn thuế năm đầu tiên, miễn thuế 50% năm tiếp theo, khấu trừ thuế vào các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị. Và thuế DN của Singapore cũng chỉ là 17%, thấp hơn nhiều ngành ở Việt Nam.

Xin visa theo diện đầu tư/doanh nhân vào Úc, EB5 vào Mỹ hay khởi nghiệp ở Singapore đang là những chỉ dấu cho thấy môi trường sống, đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đang có những vấn đề, khuyết tật cần phải sửa chữa. Và không phải Chính phủ không nhận ra điều đó khi đã giải quyết khá nhiều những tồn tại, từ việc phi hình sự hóa quan hệ dân sự/kinh tế cho đến những nghị quyết hạn chế tối đa giấy phép con, cải cách hành chính cho đến tháo gỡ những vướng mắc từ các hoạt động thuế, hải quan. Và có lẽ, chỉ có cải cách mạnh mẽ mới là cách thức hữu hiệu ngăn được đà chảy máu cả chất xám lẫn ngoại tệ đang diễn ra không ít trầm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn