MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chưa biết đâu sẽ là giới hạn cho sự "điên rồ" cuả giá vàng. Ảnh: Phan Anh

Từ giá vàng hôm nay đến giá vàng “điên rồ” 275 triệu đồng/lượng

Anh Đào LDO | 06/12/2021 15:27

Lạm phát tạo ra một sự kiện “thiên nga đen”. Thêm một cú sốc dầu, khí đốt.... Và giá vàng sẽ phi mã tới 275 triệu đồng mỗi lượng?!

Giá vàng ở Việt Nam hôm nay 6.12 vẫn neo rất cao, ở mức hơn 61 triệu đồng/lượng.

Chúng ta có các thông số: Giá vàng cả ở Hà Nội và TPHCM đều tăng nhẹ.

Vàng trong nước tăng, trong khi giá vàng thế giới đã giảm (down) 3 tuần liên tiếp.

Và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở con số: 12 triệu đồng mỗi lượng.

Neo cao. Tăng giá trong khi thế giới giảm. Và chênh lệch khủng! Câu chuyện gì đang xảy ra ở đây? Chẳng có gì khó hiểu cả, dân vẫn đang cất giữ tiền bạc tài sản bằng vàng.

Mua vào (vàng) bất kể, cũng là một trong 3 yếu tố trong dự báo - dẫu được coi là “điên rồ” của Leigh Goehring.

Giám đốc quản lý Quỹ Goehring & Rozencwajg Associates vừa đưa ra một con số: Giá vàng có thể tăng tới sẽ đạt 10.000 USD/ounce, nếu quy bằng VND theo tỉ giá hiện nay sẽ tương đương gần 275 triệu đồng/lượng.

Lập luận của Leigh Goehring không hề “thuần tuý lý thuyết kinh tế điển hình” mà dựa trên một sự kiện “thiên nga đen” đầu thập niên 1970 khiến giá vàng tăng phi mã.

“Điểm tương đồng” mà Leigh Goehring chỉ ra hôm nay là lạm phát, đã tăng từ 3 lên 6% (một thời điểm nào đó trong năm sẽ chạm mức 9%). Lạm phát và có thể có một sự kiện “thiên nga đen” trong lạm phát, chẳng hạn một “cú sốc” dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, hoặc cú sốc trong nông nghiệp... sẽ thổi bùng giá vàng, thậm chí lên mức 10.000 USD/ounce như đã nói ở trên.

Dự báo, tất nhiên chỉ là dự báo. Trong khi các sự kiện “thiên nga đen”, dẫu gây ra những “thảm khốc về kinh tế” có đặc điểm là... không thể dự báo! Không thể suy đoán!

Nhưng nhìn tự dự báo “điên rồ” với mức giá đến... vô lý trên, có lẽ chúng ta cũng nên giật mình, rằng tiền bạc - của cải xã hội - đang “đổ” vào vàng quá nhiều.

“Đổ”, và neo rất cao - ngay cả khi giá thế giới giảm. “Đổ” và chấp nhận chênh tới 12 triệu đồng/lượng. “Đổ” và rất rất hạn chế bán ra.

Từ bao lâu nay, vàng luôn là kênh tích trữ, cất giữ tài sản - nó như một biểu hiện của “chỉ số niềm tin” trong dân chúng. Nhưng tiền bạc đổ vào vàng càng nhiều, nguồn vốn xã hội cho sản xuất càng teo nhỏ.

Chúng ta đang triển khai một gói kích thích kinh tế trị giá 844.000 tỉ đồng trong 2 năm. Nguồn tiền ở đâu ra cũng đang là một câu hỏi.

Vì thế, không thể không quan tâm đến việc giải toả tâm lý, tạo lập niềm tin cho những người đang nắm giữ vàng, để nguồn vốn đó hướng vào sản xuất, thay vì đổ vào “ống bơ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn