MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Ảnh Thanh Chân

Từ nỗi đau này, từ giọt nước mắt nghẹn ngào này, Việt Nam sẽ vươn lên

Hoàng Lâm LDO | 19/11/2021 21:17
Trong ánh nến lung linh, trong những hồi chuông, trong làn khói nhang, trong nước mắt và và trong những nỗi đau nghẹn không thành lời… Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 ghi lại thời khắc mà mỗi chúng ta không thể nào quên.

Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra có trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23.1.2020. Trong năm 2020 chỉ ghi nhận 35 ca tử vong thì năm 2021, tính đến thời điểm này, đã có trên 23.000 ca tử vong.

Đó là một con số khủng khiếp và không ai trong chúng ta trước thời điểm 2020 lại nghĩ rằng có một đại dịch quét qua toàn cầu và ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hơn 23.000 người đã lặng lẽ ra đi, để lại quá nhiều đau đớn. Những gia đình tan nát, vợ chồng mất nhau, cha mẹ mất con và con không bao giờ lại nhìn thấy cha mẹ. Có những đôi vợ chồng mới cưới đã âm dương cách biệt, có những em bé mất cha, mất mẹ ngơ ngác giữa cuộc đời… thật là xót xa.

Đây là những mất mát to lớn không gì bù đắp được. COVID-19, đối với không ít gia đình thực sự là một thảm hoạ. Cơn bão COVID-19 quét qua, để lại trong lòng người ở lại muôn vàn những tiếc thương.

Trong cuộc chiến chống lại COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” vì sự an toàn, sức khoẻ của người dân đã có những lực lượng không quản ngại khó khăn, nguy hiểm xông pha vào giữa tâm dịch. Trong cuộc đấu tranh trong lằn ranh sinh tử, đã có nhiều mất mát hy sinh của lực lượng y bác sĩ, lực lượng công an, bộ đội xung phong đi vào tâm dịch. Có những người ra đi mãi mãi không trở về, có những người chỉ kịp nhắn dòng tin cuối cùng cho người thân trước khi từ giã cuộc đời này…

“Đồng bào” hai chữ thân thương hơn bao giờ hết, lại trở thành nguồn sức mạnh lớn lao nhất để những người Việt nắm tay ở trong những thời khắc khó khăn nhất, đau thương nhất.

Trong nỗi đau, chúng ta cảm nhận rõ hơn những giá trị sống, sự sẻ chia, trách nhiệm.

Từ những lời kêu gọi, những quyết sách, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với người dân với quyết tâm “không để ai ở lại phía sau” đến những ATM gạo, những túi an sinh, tổ COVID-19 cộng đồng, suất ăn miễn phí, chợ 0 đồng… tất cả đều thể hiện tình đồng bào và nỗ lực quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Không phải là sự trùng hợp khi cả hai điểm tổ chức lớn nhất đều gắn với hai từ Thống Nhất: Hội trường Thống Nhất tại TP Hồ Chí Minh và Công viên Thống Nhất tại Hà Nội. Hai từ Thống Nhất ấy chính là khát vọng về một cuộc sống bình thường mới, một nhịp sống mới, một sinh sôi nảy nở mới trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 không chỉ có nước mắt, nỗi đau mà còn là những lời nhắc nhớ. 

Nhắc nhớ, cảnh tỉnh tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm.

Nhắc nhở chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi, thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và đồng bào mình.

Nhắc nhớ chúng ta trong gian lao và khó khăn nhất vẫn còn đó những con người dám chấp nhận hy sinh sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.

Và nhắc nhớ tất cả chúng ta rằng tinh thần đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Kinh tế - xã hội sẽ sớm phục hồi, cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân sẽ sớm trở lại. Đau thương hôm nay sẽ không bao giờ lãng quên và cũng sẽ sớm trở thành động lực để dân tộc Việt Nam vươn lên. Chắc chắn sẽ vươn lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn