MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương, hoa tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma ngày 12.3. Ảnh: N.Vân

Từ Pò Hèn đến Gạc Ma, để ngọn lửa yêu nước mãi cháy sáng

Lê Thanh Phong LDO | 13/03/2022 09:44
Đã 34 năm, từ ngày kẻ địch dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chưa bao giờ người yêu nước Việt Nam quên đi một đảo tiền tiêu máu thịt của quê hương đất nước, một phần phên giậu trên biển Đông và càng không quên 64 chiến sĩ hy sinh vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam” - đây là đoạn trích lưu bút của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa ngày 12.3.

Từ sự kiện Gạc Ma 1988, tên gọi này trở thành một dấu mốc trong trang sử Việt và không ai được lãng quên, nói như anh hùng Nguyễn Hữu Lễ - cựu thuyền trưởng tàu HQ 505: "Chúng tôi không muốn khắc sâu hay khơi gợi lại mối hận thù, nhưng phải nhắc đúng sự thật lịch sử để nhắc nhớ cho thế hệ mai sau nhớ, biết rằng một phần lành thổ của Việt Nam là Hoàng Sa, Gạc Ma... của Trường Sa vẫn chưa về với đất mẹ Việt Nam".

Đúng, người Việt Nam yêu hòa bình, không khắc sâu lòng thù hận, nhưng giữ gìn lịch sử, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng là để ngọn lửa yêu nước mãi cháy sáng.

Mới đây, ngày 26.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

Những chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước, thì nhân dân không lãng quên, dù không mang huân chương anh hùng thì tất cả đều là anh hùng trong lòng nhân dân.

Pò Hèn, Gạc Ma, Hoàng Sa - Trường Sa và nhiều tên gọi khác, đó là những địa danh lịch sử, đó là những chủ đề của giáo trình giáo dục lòng yêu nước, phải được in đậm trong những trang sách giáo khoa và trong những công trình nghiên cứu lịch sử "khắc cốt ghi tâm".

Lịch sử là trí nhớ của một dân tộc, không ghi lại lịch sử một cách đầy đủ, chân thực là làm cho trí chưa trọn vẹn. Cho nên, không bao giờ được quyền bỏ sót một địa danh lịch sử cũng như một tên người - những người đã hy sinh vì nước.

Gạc Ma, Pò Hèn và nhiều nơi khác trên đất nước này có dáng hình của người yêu nước trong lòng nhân dân. Như câu thơ trong bài Quê hương của Giang Nam: "Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất. Có một phần xương thịt của em tôi!".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn