MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ VHTT và DL cho rằng: việc các chùa tổ chức dâng sao, giải hạn là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi (Ảnh LĐ)

Tự tay châm lửa đốt 16.000 tỉ

Anh Đào LDO | 21/02/2019 10:30

Trong khi SpaceX đang kỳ vọng sẽ tạo ra những công dân sao Hỏa, những con người đầu tiên được sinh ra ngoài trái đất vào năm 2024 thì “chúng ta” vẫn mải mê dâng sao giải hạn và mỗi năm, đốt không dưới 16.000 tỉ tiền vàng mã, nhân danh tín ngưỡng, “nhu cầu tâm linh”.

Trên sàn chứng khoán, có một mã là CAP của Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái với các khoản cổ tức có thời điểm lên tới 40-50%. Một tờ báo dẫn báo cáo  của DN này cho biết doanh thu CAP năm 2018 đạt 389 tỉ đồng, tăng 43%; trong đó, vàng mã, giấy đế (giấy làm vàng mã) đã mang về cho CAP doanh thu gần 200 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước đó và chiếm tới 51% doanh thu.

550 triệu doanh thu mỗi ngày của mảng “vàng mã” của chỉ từ một DN (dù tính cả xuất khẩu) dường như đang nói lên nhiều điều.

2016, dựa vào số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê, TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cứu phát triển Mêkông tính toán rằng: Nếu năm 2012, bình quân mỗi hộ gia đình tại Việt Nam chi 575.000 đồng cho đồ cúng lễ (chỉ bao gồm tiền mua vàng mã, hương hoa và đồ cúng không phải thực phẩm- tức là không bao gồm bánh kẹo, quả hay thịt cá dùng để cúng lễ), thì tới 2016, mức chi tiêu bình quân đã tăng lên 654.000 đồng.

Và “Nếu nhân con số này với tổng số hộ cả nước của từng năm thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13.000 tỉ đồng năm 2012 và tăng lên khoảng 16.000 tỉ đồng năm 2016”.

16.000 tỉ mang đốt mỗi năm theo đúng nghĩa đen, nhân danh tín ngưỡng và nhu cầu tâm linh. Về mặt kinh tế, đó chính là phí phạm.

Trở lại với câu chuyện thời sự là việc “dâng sao giải hạn”, Giáo hội Phật giáo VN đã chính thức có văn bản khẳng định “dâng sao giải hạn” không phải là nghi lễ Phật giáo. Bộ VHTT và DL cũng vừa có công văn nêu rõ: việc các chùa tổ chức dâng sao, giải hạn là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi; và  đề nghị địa phương có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.

Rất khó để có một biện pháp cấm sản xuất hay đốt vàng mã dù nó cũng gây hại và tốn kém chẳng kém gì pháo nổ- đã từng bị cấm, nhưng ít nhất nhà chùa hay các cơ sở Phật giáo hoàn toàn có quyền từ chối việc đốt vàng mã khi từ năm ngoái, Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam từng có công văn 031/CV-HĐTS đề nghị tăng ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Ít nhất có thể cương quyết nói không đối với những “biến tướng” của nghi lễ, đối với việc “lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi”.

16.000 tỉ mỗi năm đó là tiền thật, là nguồn lực không có lý gì để đem đốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn