MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dải “bê tông tử thần” khiến một người dân thiệt mạng

Tử thần được cấp phép

Anh Đào LDO | 14/03/2019 13:27
Đây là hình ảnh dải bê tông được đặt chính giữa làn đường xe máy trên đường dẫn cao tốc Long Thành – Dầu Giây đã khiến một người dân tử vong. Có người đã nói đúng: Đó là “dải bê tông tử thần”. Chỉ có điều, đó là một “tử thần được cấp phép”.

Đơn vị lắp đặt “dải bê tông tử thần” là Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thuộc Sở GTVT TP.HCM.

Sau vụ tai nạn chết người, Khu 2 đã xác nhận chính họ là người đã lắp đặt dải bê tông nhằm “ngăn ô tô đi vào làn hai bánh, gây ùn tắc giao thông”. Rằng: dải phân cách bê tông được đặt từ năm 2017”. Và rằng “đây là vụ TNGT chết người đầu tiên”.

Nhưng kinh khủng nhất là khẳng định của ông Giám đốc Khu 2: Có thể nghiên cứu không dùng dải phân cách có chất liệu bê tông nữa mà gắn loại bằng nhựa, cao su. Nhưng quan điểm là vẫn phải gắn...”

Có nghĩa rằng cơ quan quản lý vẫn cho rằng việc gắn là biện pháp quản lý, vẫn không hề nhận sai, thậm chí vẫn kiên trì với "biện pháp tử thần" ngay cả khi đã có máu đổ, ngay cả khi cái giá của nó là sinh mạng một con người.

Theo Pháp luật TP, trong Quy chuẩn 41:2016, văn bản pháp lý mà Khu 2 viện dẫn cho việc đặt "dải bê tông tử thần" không hề có quy định nào về việc đặt dải bê tông như trên.

Nếu xem dải bê tông đặt ở làn đường xe máy là dải phân cách thì không đúng. Nó không rơi vào trường hợp nào của Quy chuẩn 41, bởi quy chuẩn chỉ quy định các loại dải phân cách phân chia các làn đường chứ không hề đề cập dải phân cách để phân chia ngay trong làn xe máy.

Không hề cá biệt câu chuyện các yếu tố hạ tầng như những cái bẫy. Từ những thòng lọng dây điện, từ những lô cốt giữa đường, từ những chiếc hố công trường, ổ gà ổ trâu ổ voi trên...cao tốc cho đến cả những xe rác nghênh ngang...khiến bao nhiêu người dân mất mạng oan.

Lắp dải bê tông giữa làn đường, chẳng lẽ một biển cấm ô tô, chẳng lẽ phạt nguội không phải là một biện pháp có thể thay thế? 

Chẳng lẽ phải “cưỡng bức” đến mức bất chấp tính mạng người dân?

Nếu như một người dân nào đó lắp “chông” trên ranh giới ngăn cách vỉa hè giữa hai nhà thì ngay lập tức bị buộc tháo gỡ vì tiềm ẩn khả năng gây tai nạn cho người khác, thì chẳng lẽ dải bê tông tử thần ấy có thể tồn tại ngay khi nó tước đoạt tính mạng một con người?

Có lẽ, những trường hợp này cần phải được đưa ra toà án để trở thành những “án lệ” trách nhiệm cho cơ quan quán lý và tính chịu trách nhiệm của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn